Tháng 7 đến báo hiệu mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng bắt đầu bước vào giai đoạn quan trọng nhất đối với các bạn học sinh tốt nghiệp lớp 12, đánh dấu mốc quan trọng mở ra giai đoạn mới đầy thử thách của cuộc sống. Sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, các bạn sẽ phải tham gia xét tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy sao cho phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân. Trước ngưỡng cửa cuộc đời, các học sinh phải lựa chọn ngành nghề học phù hợp, quyết định cho sự nghiệp sau này của mình.
Nhiều phụ huynh và học sinh sẽ phải đối mặt với quyết định khó khăn khi đưa ra lựa chọn ngành nghề nên theo học phù hợp với năng lực và rộng cửa nghề nghiệp tương lai. Trong các ngành học, khối ngành kinh tế vẫn là xu thế lựa chọn hiện nay của nhiều bạn sinh viên và phụ huynh.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số tố chất cần có với những bạn yêu thích ngành kinh tế, từ đó giúp các em học sinh xác định bản thân có phù hợp với khối ngành kinh tế hay không để đưa ra quyết định đúng đắn trong việc chọn ngành học nhé!
Thích học hỏi, tích lũy kiến thức
Đây là tố chất mà dù làm bất kỳ ngành nào bạn cũng phải có. Dù bạn là ai thì cũng phải học hỏi, thu nạp những kiến thức mới để đáp ứng được guồng quay của xã hội. Đặc biệt, ở khối ngành kinh tế, thị trường luôn biến động liên tục và rất cần sự thích nghi, tiếp thu nhanh chóng.
Đam mê kinh doanh, đầu tư và khát vọng làm giàu
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất để nhận ra bạn thực sự thuộc về ngành Kinh tế là “máu làm giàu”. Bạn đam mê kinh doanh, đầu tư, bản thân luôn rực cháy ngọn lửa làm giàu thì rõ ràng bạn sinh ra để làm trong khối ngành Kinh tế. Một khi đã say mê, bạn sẽ có động cơ bền bỉ để chiếm lĩnh tri thức và quyết bám trụ đến cùng, tâm huyết với học tập cũng như công việc sau này.
Có khả năng phân tích, đánh giá
Kỹ năng phân tích dữ liệu hiện nay là kỹ năng thiết yếu của một người theo đuổi ngành kinh tế. Với công việc đòi hỏi sự nghiên cứu các công cụ phân tích, đọc các báo cáo thị trường, đo lường hoạt động sản xuất… của doanh nghiệp nên nếu bạn có khả năng phân tích và đánh giá, tư duy logic thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn phù hợp với các công việc liên quan đến kinh tế.
Có kỹ năng quản lý, tố chất lãnh đạo
Kỹ năng quản lý, tố chất lãnh đạo thể hiện ở việc bạn có khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng và động viên team của mình cùng làm việc vì mục tiêu chung để đạt được kết quả tốt nhất.
Khả năng truyền đạt, giao tiếp tốt
Giao tiếp tốt không chỉ giúp bạn xây dựng quan hệ, tăng khả năng có được hợp đồng lớn mà còn có lợi rất lớn trong việc đối thoại, xây dựng hình ảnh với đối tác và nhân viên trong công ty. Đặc biệt trong khối ngành kinh tế, khả năng truyền đạt, giao tiếp luôn được coi là một trong những lợi thế lớn quyết định đến sự thành công sau này.
Chịu áp lực tốt
Để có thể phát triển trong ngành Kinh tế, bạn cần phải am hiểu một lượng kiến thức không hề nhỏ về các quy luật kinh tế, phương pháp quản trị hay chiến lược. Cùng với đó là sự liên tục trau dồi kỹ năng chuyên môn. Bạn luôn có thói quen cập nhật thông tin kinh tế hàng ngày qua báo chí, internet, từ đó tự có những đánh giá của bản thân. Nếu không thể rèn luyện được một cái đầu lạnh, chịu được áp lực công việc cao thì rất khó để có thể vượt qua thử thách để đến đích.
Trên đây là một vài các tố chất cần có đối với những bạn đam mê, lựa chọn học tập và làm việc trong khối ngành Kinh tế. Việc chọn ngành, chọn trường là bước ngoặt ảnh hướng lớn đến tương lai của các bạn, vì vậy hãy dành thời gian nghiên cứu, xác định rõ năng lực và mục tiêu để đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân! Và nếu bạn có trong mình những tố chất nêu trên, thì đừng ngại ngần mà đăng ký ngay ngành Kinh tế ở Trường Đại học Thủy lợi nhé! Tọa lạc tại trung tâm Thủ đô, với bề dày 65 năm hình thành và phát triển cùng mức học phí vô cùng hấp dẫn, ngành Kinh tế - Trường Đại học Thủy lợi đã, đang và sẽ luôn là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu chất lượng cao, uy tín trong lĩnh vực kinh tế đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
NGÀNH KINH TẾ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI TUYỂN SINH
Mã ngành: TLA401
Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07.