Ngôn ngữ:

Buổi chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp với sinh viên chuyên ngành Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Thuỷ lợi về nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu



📣 Ngày 07/12/2024, Bộ môn Kinh tế đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp với các sinh viên chuyên ngành Kinh tế Quốc tế về Nghiệp vụ Kinh doanh xuất nhập khẩu qua hình thức trực tuyến. Đại diện phía doanh nghiệp là Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, chuyên viên Tư vấn khách hàng của Công ty TNHH APL Logistics Việt Nam.
Mục đích của buổi chia sẻ là cung cấp cho sinh viên một số nội dung thực tiễn liên quan tới thực hiện nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu tại doanh nghiệp và những yêu cầu của doanh nghiệp với các nhân sự làm việc trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu.


❤️❤️❤️ Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung đã lần lượt trình bày bốn nội dung liên quan, bao gồm: (1) Tổng quan về ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu; (2) Giới thiệu về Công ty TNHH APL Logistics Việt Nam; (3) Các vị trí việc làm có liên quan; (4) Kinh nghiệm của bản thân.
Trước hết, tổng quan về ngành dịch vụ xuất nhập khẩu được khái quát để sinh viên hình dung một cách rõ ràng về vai trò của các doanh nghiệp khác nhau trong kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng kinh doanh xuất nhập khẩu, không chỉ có sự tham gia trực tiếp của công ty xuất nhập khẩu ở Việt Nam và công ty đối tác ở nước ngoài mà còn có sự tham gia của các công ty cung cấp dịch vụ logistics/forwarder và hãng vận chuyển.
Thứ hai, Công ty TNHH APL Logistics Việt Nam, với vai trò là một công ty quản lý đơn hàng được đưa ra làm ví dụ cụ thể để làm rõ thêm nội dung tổng quan vừa trình bày ở trên. Đây là tổ chức mà Bà Nhung đang trực tiếp làm việc với vai trò là chuyên viên Dịch vụ khách hàng. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty hiện nay là cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải.
Thứ ba, các vị trí việc làm liên quan tới nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, nội dung trọng tâm của buổi chia sẻ, được trình bày chi tiết. Với cách tiếp cận dựa theo vai trò của các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện Hợp đồng Kinh doanh xuất nhập khẩu, các vị trí làm việc đa dạng có liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu được chỉ ra kèm theo những yêu cầu cụ thể của từng vị trí việc làm.
Cuối cùng, một số kinh nghiệm của bản thân trong quá trinh làm việc gần 15 năm trong ngành dịch vụ xuất nhập khẩu được diễn giả chia sẻ.
🌸🌸🌸 Theo Bà Nhung, sinh viên cần trang bị tốt 03 nội dung sau để sẵn sàng bước vào công việc.
Một là, chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn. Các quy định, thủ tục liên quan tới tổ chức thực hiện xuất nhập khẩu rất phức tạp, đặc biệt, các quy định, chính sách mới thường xuyên được ban hành. Yêu cầu trong mỗi đơn hàng của khách hàng là khác nhau. Điều này đòi hòi người làm việc trong lĩnh vực này cần thường xuyên cập nhật các văn bản quy định của Nhà nước liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu; các quy định của nước đối tác về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và các thủ tục hành chính khác.
Hai là, hoàn thiện kỹ năng tin học văn phòng. Người làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể không cần sử dụng quá nhiều phần mềm chuyên biệt, mỗi công ty có thể áp dụng những phần mềm quản lý khác nhau, nhưng cần thiết nhất vẫn là thông thạo kỹ năng tin học văn phòng để tạo nền tảng học cách sử dụng các phần mềm chuyên sâu do công ty sử dụng. Cần nhấn mạnh đây là kỹ năng để sử dụng trong thực tế làm việc chứ không phải chỉ dừng lại là cung cấp chứng chỉ đã đạt được.
Ba là, hoàn thiện kỹ năng sử dụng Tiếng Anh. Các chứng từ, tài liệu, hợp đồng kinh doanh xuất nhập khẩu nói chung được trình bày bằng Tiếng Anh. Việc sử dụng Tiếng Anh thông thạo trong thời điểm hiện nay là điều bắt buộc (không còn là lợi thế như 30 năm trước đây). Điều này đòi hỏi người học phải tự hoàn thiện kỹ năng của bản thân. Cũng giống như yêu cầu đối với kỹ năng tin học nói trên, việc có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp chỉ là một tiêu chí của vòng sơ tuyển hồ sơ. Thông thạo ngoại ngữ trong quá trình làm việc mới là điều quan trọng và cần thiết nhất.
✏️✏️✏️ Sau phần chia sẻ của doanh nghiệp là phần giao lưu, hỏi và đáp giữa sinh viên và đại diện doanh nghiệp. Một số câu hỏi được gửi tới khách mời trước khi buổi chia sẻ diễn ra như sau: những kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với một nhân viên xuất nhập khẩu? Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm nào được xem là “bắt buộc”? Sinh viên ngành Kinh tế quốc tế có nên đăng ký những lớp học đó để củng cố kiến thức hay thông qua thực tập và đi làm sau này? Sales logistic có cần trình độ Tiếng Anh không? Ngoài ra sales logistics có khác gì so với sale các ngành khác không? Vị trí OPS (nhân viên hiện trường) có phù hợp với nữ giới? Sinh viên mới ra trường có thể tìm cơ hội việc làm liên quan tới ngành xuất nhập khẩu ở những doanh nghiệp nào?
Các câu hỏi và thắc mắc đã được diễn giả lần lượt trả lời, làm rõ những thắc mắc của các bạn sinh viên

Bài viết liên quan: