DƯ ÂM ĐIỆN BIÊN VỀ KỲ THI THPT QUỐC GIA

Đến hẹn lại nên, Khi hoa phượng đỏ rực một góc trời, tiếng ve kêu ra rả, lại bắt đầu báo hiệu một năm học sắp kết thúc, một mùa thi của hy vọng và đầy hoài bão. Thầy và trò Khoa Kinh tế và Quản lý bận rộn với những kỳ thi kết thúc năm học, với những buổi bảo vệ đồ án muộn giờ trưa để hoàn tất các công việc, để rồi lại hối hả lên đường làm nhiệm vụ coi thi THPT Quốc gia. Năm nay, một trong những điểm coi thi của đoàn cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý trường Đại học Thủy lợi là điểm thi trường THPT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

(Ảnh toàn đoàn cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý tại điểm thi THPT huyện Điện Biên)

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Trường là sự nhiệt tình, thân thiện của các thầy cô và sự lễ phép của học sinh nơi đây. Nhưng có lẽ, điều đặc biệt nhất để chúng tôi nhớ và muốn kể về trường THPT huyện Điện Biên là những câu chuyện thú vị xung quanh các thí sinh tham gia dự thi năm nay- những thí sinh thế hệ 6x,7x và 8x.

Đó là câu chuyện về thí sinh Lò Văn N. sinh năm 1968- khi dự thi môn Văn học, thí sinh ngồi gần 1 tiếng đồng hồ, đọc đi đọc lại đề thi mà chưa viết được chữ nào. Khi giám thị 1 đến hỏi và động viên thí sinh cố gắng làm thì thì thí sinh nói “Không biết làm câu hỏi số 1 như thế nào?”. Nghe được câu trả lời như vậy, giám thị 1 có nói rằng “Anh có thể làm bất cứ câu hỏi nào, chứ không nhất thiết là câu số 1”. Lúc đó, thí sinh hỏi lại là “Tôi có thể làm câu nào trước cũng được à?. Vậy mà tôi cứ tưởng bắt buộc phải làm câu hỏi số 1 trước rồi mới được làm các câu hỏi khác”. Nhờ có sự động viên và hướng dẫn kịp thời của giám thị, thí sinh đã hoàn thành được bài thi với độ dài gần 2 trang giấy. Tuy không biết được nội dung các câu trả lời của thí sinh như thế nào nhưng chúng tôi mong rằng với sự kiên trì và nỗ lực học tập như vậy, thí sinh sẽ vượt qua kỳ thi một cách suôn sẻ.

Với bài thi môn Toán, chúng tôi lại gặp được thí sinh Lường Văn T. sinh năm 1971. Trước khi vào giờ thi, thí sinh chia sẻ, anh đã có 2 con tốt nghiệp 2 trường Đại học ở Hà Nội là Đại học Công Đoàn và Đại học Xây dựng. Năm ngoái anh có tham gia kỳ thi nhưng không đạt và mong rằng, với sự cố gắng, nỗ lực ôn tập trong 1 năm qua, năm nay anh sẽ làm tốt bài thi và nhận được tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 để phục vụ cho công việc hiện tại của mình. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều thí sinh 8x, 9x khác tham gia kỳ thi năm nay với hy vọng tấm bằng cấp 3 sẽ giúp họ dễ dàng tìm được công việc với mức lương cao hơn và đỡ vất vả hơn.

Thí sinh cuối cùng mà chúng muốn nhắc tới trong bài chia sẻ này là chị Lò Thị M.- sinh năm 1973, thí sinh đến muộn nhất phòng thi khi tham gia môn thi Tổ hợp xã hội. Khi giám thị hỏi là “Tại sao chị đến muộn?”, chị ấy thật thà trả lời là “Em đưa con đến trường thi rồi mới đến, năm nay hai mẹ con em cùng thi nhưng ở hai địa điểm khác nhau”. Điều đặc biệt nữa ở chị là khi giám thị hướng dẫn cách viết vào phiếu Trả lời trắc nghiệm – giám thị đọc là Kỳ thi “THPT Quốc gia” thì chị lại ghi là “Tổ hợp xã hội”. Không biết có phải là do chị chưa sõi tiếng kinh hay do tâm lý hồi hộp vì đến muộn mà có sự nhầm lẫn thú vị này. May mắn thay, khi biết mình nhầm như vậy, chị đã không điền thêm bất cứ thông tin nào và chờ sự hướng dẫn của giám thị phòng thi. Đến khi làm bài thi môn Sử và Địa, có lẽ chị cũng là người duy nhất trong phòng có nhiều “cột cờ” nhất phiếu trả lời trắc nghiệm. Hy vọng rằng, với cách làm bài này của chị, chị sẽ may mắn vượt qua kỳ thi.

(Ảnh cô Ngô Thị Thanh Vân với Thí sinh người dân tộc)

Ngoài những câu chuyện xoay quanh các thí sinh thi tốt nghiệp THPT thế hệ 6x, 7x và 8x chúng tôi còn cảm nhận được sự khó khăn của các thí sinh cũng như sự cố gắng vươn lên khẳng định bản thân trên con đường học vấn. Chúng tôi hy vọng rằng, tất cả các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp tại điểm thi trường THPT Huyện Điện Biên, đặc biệt là các thí sinh thế hệ 9x,8x,7x và 6x đều có kết quả xứng đáng với sự nỗ lực và tinh thần hiếu học xứng danh với mảnh đất đã đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

                                                                                                                                                               TH-GV KT&QL

  Gửi ý kiến phản hồi
889