Đôi điều về khởi nghiệp

Phong trào khởi nghiệp đang khá “HOT” ở các diễn đàn của chính phủ, trường đại học, các hiệp hội khắp cả nước.

Trước đây tôi thường nói đến tinh thần khởi nghiệp qua việc review về cuốn sách “Ngày xưa có một con bò”. Hôm nay, trước hết tôi giới thiệu những kinh nghiệm căn bản nhất về khởi nghiệ.

 

1. Khởi nghiệp là gì?

Bạn có thể hiểu khởi nghiệp có nghĩa là tự mở doanh nghiệp để làm chủ - ngược lại của việc đi làm thuê. Khởi nghiệp không đơn giản như freelancer (làm việc tự do). Khởi nghiệp cũng khác start-up. Start-up là một dạng khởi nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng nhân rộng mô hình và phát triển nhanh, ứng dụng công nghệ mới / tạo ra sản phẩm mới…

Khởi nghiệp có tác dụng gì so với làm thuê, làm Freelancer, đầu tư? Cái này tôi không nói nữa, các bạn có thể search Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki để đọc lại.

2. Khởi nghiệp cần những gì?

Khởi nghiệp cần nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý tưởng về sản phẩm / dịch vụ và tinh thần thực chiến dám nghĩ dám làm.

Bạn không nên tự dưng xin nghỉ việc rồi tự nhủ sẽ khởi nghiệp trong lúc chưa biết mình sẽ làm gì, sẽ cung cấp sản phẩm, dịch vụ nào. Thường, khi người ta có đam mê nào đó (ví dụ làm bánh, làm game,…) hoặc có kinh nghiệm về một lĩnh vực mà mình đã đúc rút và tạo được nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực đó; người ta sẽ nghĩ đến khởi nghiệp.

Mô hình đơn giản là hãy nghĩ đến những thứ BẠN THÍCH (thứ bạn đam mê sẽ giúp bạn kiên trì theo đuổi lâu dài hơn, vượt qua được khó khăn thử thách hơn); thứ BẠN GIỎI (Để giúp bạn có thể tồn tại và cạnh tranh được) và thứ XÃ HỘI CẦN (Để giúp bạn có thể mở rộng thị trường và kiếm được tiền từ đó).

Nhiều người có nhiều ước vọng và ý tưởng để khởi nghiệp; tuy nhiên họ lại không thuộc tuýp người dám nghĩ dám làm, nên cơ hội thường bị vụt qua. Họ không dám chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận rủi ro và chấp nhận những khó khăn khi khởi nghiệp.

Tuổi trẻ khởi nghiệp thường không có tiền hoặc có ít tiền, không có nhiều kinh nghiệm cũng như mối quan hệ. Nhưng khi đó có tuổi trẻ, không sợ rủi ro, không sợ lăn xả. Vì thế, khi có ý tưởng và cộng sự thì cứ thế tiến lên thôi. Khi bạn lớn tuổi, có nhiều thứ hơn, nhưng lại chấp nhận rủi ro ít hơn – rủi ro lớn nhất là đánh đổi thời gian dành cho gia đình; và ngại, sợ thất bại.

Nhiều người nghĩ khởi nghiệp thì phải cần vốn, cần nhiều mối quan hệ… Cái này thì không chính xác, còn tùy vào ý tưởng kinh doanh của bạn. Nếu bạn có ít vốn, bạn sẽ lựa chọn hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ cần đầu tư vốn ít; có thời gian quay vòng vốn ngắn….Còn nếu muốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, R&D thì tất nhiên bạn cần nhiều vốn. Quan trọng nhất là ý tưởng; khi ý tưởng của bạn xuất sắc và khả thi, thì bạn hoàn toàn có thể gọi vốn, tìm được cộng sự, được giới thiệu mối quan hệ….

Khởi nghiệp cũng cần kiến thức, không chỉ là kiến thức chuyên môn về ngành nghề mình hoạt động, mà còn là kiến thức quản lý: nhân sự, marketing, tài chính, sản xuất…. Bởi khi khởi nghiệp, chúng ta thường chỉ mới nghĩ đến giai đoạn trước mắt: làm thế nào để tạo ra tiền, để bán được sản phẩm…. Nhưng giai đoạn sau, để tồn tại và phát triển; nhất định bạn phải có kiến thức. Vì vậy tôi thường khuyên các bạn không cần phải khởi nghiệp quá sớm. Có thể đi làm thuê để học hỏi trước đã.

3. Nên khởi nghiệp như thế nào?

Có nhiều người, có ý tưởng xong là bắt tay vào khởi nghiệp luôn. Họ mở cửa hàng, thuê nhân công… rồi để sau mấy tháng không bán được hàng, chi phí ăn hết vào vốn rồi đóng cửa?

Sau khi có ý tưởng, lời khuyên cho các bạn làm phải check lại ý tưởng đó. Vì nó chỉ mới dựa vào quan điểm của bạn, chứ chưa phải là câu trả lời của thị trường. Bạn cần thử nghiệm về: quá trình tạo ra sản phẩm có như dự kiến không, chi phí làm ra sản phẩm như thế nào, khách hàng có thích dùng sản phẩm hay không, họ chấp nhận sản phẩm ở mức giá nào….

Bây giờ, các bạn khởi nghiệp thường dễ hơn. Các bạn có thể thử bằng bán hàng online trước; thấy ổn rồi mới mở offline. Mô hình O2O này bổ sung cho nhau để tạo tính bền vững.

Các bạn cần trả lời được câu hỏi: Đâu là lợi thế cạnh tranh của bạn? Bạn làm tốt hơn đối thủ cạnh tranh hiện tại được ở những điểm nào? Nếu bạn không tạo được lợi thế cạnh tranh thì chắc chắn bạn sẽ thua rồi, vì người ta đi trước bạn cơ mà, người ta sẽ có ít nhất là kinh nghiệm và mối quan hệ / thị phần rồi.

Nếu như bạn không sản xuất được chi phí thấp hơn người ta; thì phải đảm bảo sản phẩm / dịch vụ của bạn tốt hơn người ta. Sản phẩm không thể khác biệt được; thì hãy khác biệt bằng dịch vụ. Đây là cách tạo sự khác biệt ít tốn kém nhất nhưng lại hiệu quả nhất!

4. Độ tuổi nào thì nên khởi nghiệp?

Bạn là một người chẳng giống ai trong 8 tỉ người trên thế giới; nên bạn cũng chẳng cần theo một cái mốc của ai cả.

Tuổi nào cũng có thể khởi nghiệp, từ cô bé học sinh bán chè đến ông cụ về hưu.

Khởi nghiệp sớm quá thì chưa có đủ kinh nghiệm, vốn và mối quan hệ.

Khởi nghiệp muộn quá thì có sức ì, không còn đủ nhiệt huyết và xông xáo.

Câu trả lời chính xác nhất tự bạn đặt ra, có thể gói gọn trong chữ DUYÊN cũng được. Hôn nhân cần chữ duyên, công việc cần chữ DUYÊN và khởi nghiệp cũng vậy! Cứ khi nào bạn cảm thấy thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì Start thôi.

 

5. Tỉ lệ thành công khi khởi nghiệp là bao nhiêu?

Thế nào là thành công? Thành công là đạt được mục tiêu đề ra, thì sẽ do mỗi người tự đặt ra. Có người thành công là phát triển doanh nghiệp lớn mạnh và trường tồn; có người lại cho rằng khởi nghiệp thành công là không lỗ, hoặc tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Nếu thành công là xây dựng doanh nghiệp phát triển tốt – thì tỉ lệ thành công là không cao. Chỉ có dưới 3% số người khởi nghiệp làm được điều đó.

Tuy nhiên, tinh thần khởi nghiệp là một tinh thần học hỏi, luôn kiên trì, không sợ thất bại; chẳng mấy ai thành công ở lần đầu khởi nghiệp; nhưng bạn sẽ thành công trên khía cạnh khác: bài học thực chiến.

THỬ KHÔNG CHẮC THẮNG, KHÔNG THỬ CHẮC THUA!

Chúc các bạn mãi mãi tinh thần Khởi nghiệp nhé!

Lê Dung – Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp TLU

  Gửi ý kiến phản hồi
160