BÀN LUẬN VỀ VỐN TRÍ TUỆ VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

1. Sự tăng cường nghiên cứu về vốn trí tuệ trên thế giới

Trong những năm gần đây “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Cuộc cách mạng này là sự phát triển và áp dụng những công nghệ mới, tri thức mới về trí thông minh nhân tạo, big data, chuyển đổi số…và làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Đây là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa nhiều vào tài nguyên sang nền kinh tế có hàm lượng chất xám cao. Giữa nguồn lực con người, vốn, tài nguyên, cơ sở vật chất…đều có liên quan với nhau, nhưng trong đó nguồn nhân lực lại được coi là có ảnh hưởng đến các nguồn lực khác. Có thể nói trong cuộc cách mạng này, vai trò của con người, vai trò của tri thức và chất xám lại càng được coi trọng. Bontis (1998) cho rằng trong những tài sản vô hình, hay vốn trí tuệ là yếu tố quan trọng giúp tạo ra lợi thế cũng như giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ngày nay, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần tận dụng tốt các nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận. Ngoài nguồn lực vật chất sẵn có, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều đến các yếu tố vô hình như: nguồn nhân lực, mối quan hệ khách hàng, cấu trúc doanh nghiệp… Trong đó, vốn trí tuệ chính là mấu chốt khác biệt để doanh nghiệp có giúp doanh nghiệp cạnh tranh với doanh nghiệp khác.

Nhận thức được tầm quan trọng của vốn trí tuệ trong thời đại mới cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức, các nhà khoa học càng quan tâm tới chủ đề này. Các nghiên cứu về vốn trí tuệ nói chung và vốn trí tuệ đặt trong mối quan hệ với các hoạt động của doanh nghiệp nói riêng càng trở nên phong phú và đa dạng. Khi đánh giá sự phát triển của của các nghiên cứu về vốn trí tuệ, Guthrie và cộng sự (2012) đã thực hiện thống kê các nghiên cứu về vốn trí tuệ từ năm 2000 đến năm 2009 từ một số ấn phẩm và nhận thấy số lượng các nghiên cứu liên quan đến chủ đề này chiếm tỷ lệ 15,8% trong số các nghiên cứu về kế toán và xác nhận: vốn trí tuệ đã thực sự trở thành một chủ đề được nhiều nhà khoa học trên giới nghiên cứu quan tâm. Hay tác giả Martín-de Castro và cộng sự (2019) cho rằng: những năm 2010 – 2019 là thời kỳ có số lượng tác phẩm khoa học về vốn trí tuệ lớn nhất và đa dạng nhất, các tạp chí và hội thảo chuyên ngành kế toán cũng mở riêng các số đặc biệt về chủ đề vốn trí tuệ. Như vậy, có thể thấy nghiên cứu về vốn trí tuệ đã phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong các nghiên cứu về kế toán trên thế giới.

2. Khái niệm và các thành phần vốn trí tuệ

2.1. Khái niệm vốn trí tuệ

Xung quanh chủ đề về vốn trí tuệ đã có rất nhiều các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm được tiến hành. Do đó, các khái niệm về vốn trí tuệ cũng được các nhà khoa học giới thiệu. Stewart (1997) cho rằng vốn trí tuệ là nguồn lực của doanh nghiệp, đóng góp cho doanh nghiệp thông qua kiến thức, thông tin, tài sản trí tuệ và kinh nghiệm. Bontis (1998) khi nghiên cứu về vốn trí tuệ cũng đã nhấn mạnh vốn trí tuệ là nguồn lực khó nắm bắt, nhưng nếu được phát hiện và sử dụng nó sẽ mang lại lợi thế trong môi trường cạnh tranh và kết luận vốn trí tuệ bao gồm kiến thức, thông tin, tài sản trí tuệ và kinh nghiệm có thể được sử dụng để tạo ra của cải cho doanh nghiệp.

Mặt khác, vốn trí tuệ cũng được biết đến như là một nhân tố tạo ra của cải. Bontis và cộng sự (2000); Brooking (1997) đều cho rằng giá trị công ty là tổng hợp tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Harrison và Sullivan (2000) nhấn mạnh vốn trí tuệ là tri thức có thể biến đổi thành lợi nhuận. Cùng chung nhận định đó, Marr và Moustaghfir (2005) cho rằng vốn trí tuệ bao gồm những nguồn lực vô hình hình thành từ kinh nghiệm và sự học hỏi giúp tạo ra giá trị và sản xuất của cải cho doanh nghiệp. Tương tự, theo Roos (2005), thì vốn trí tuệ có thể được hiểu là tất cả các nguồn lực phi tiền tệ và phi vật chất được kiểm soát một phần hoặc hoàn toàn bởi một tổ chức và đóng góp vào quá trình tạo ra giá trị của tổ chức đó.

Như vậy, vốn trí tuệ có thể được định nghĩa theo nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, định nghĩa được thừa nhận rộng rãi nhất là: vốn trí tuệ là các yếu tố vô hình, có liên quan tới con người và góp phần tạo lợi thế cạnh tranh; đồng thời kết hợp với nguồn vốn vật chất khác sẽ tạo lợi nhuận đóng góp cho doanh nghiệp. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng hiện tại, các nhà khoa học đa phần ủng hộ quan điểm các thành phần của vốn trí tuệ gồm: vốn nhân lực, vốn cấu trúc và vốn quan hệ.

2.2. Các thành phần của vốn trí tuệ

Vốn trí tuệ là một chỉ tiêu tổng hợp. Do đó, các nhà khoa học đã nhận định vốn trí tuệ được cấu tạo từ các thành phần. Các thành phần sẽ có tính chất và đặc điểm khác nhau khác nhau. Edvinsson và Malone (1997) đề xuất rằng vốn trí tuệ là một cấu trúc có hai cấp độ: vốn nhân lực (lợi thế kiến thức của nhân viên của công ty) và vốn cấu trúc (cơ sở hạ tầng hỗ trợ vốn nhân lực). Trong đó, vốn cấu trúc được chia thành 2 thành phần: vốn tổ chức (kiến thức - được tạo ra và được lưu trữ trong hệ thống và quy trình công nghệ thông tin của một công ty) và vốn khách hàng (các mối quan hệ mà một công ty có với khách hàng của mình). Nhìn chung, các học giả có cùng chung quan điểm về các thành phần chính của vốn trí tuệ (Bontis và cộng sự, 2002) gồm: vốn nhân lực; vốn cấu trúc; và vốn khách hàng/vốn quan hệ (Subramaniam và Youndt, 2005).

Như vậy, mặc dù các nhà khoa học còn nhiều ý kiến khác nhau khi phân loại các thành phần của vốn trí tuệ. Nhưng phương pháp phân loại theo Bontis và cộng sự, (2000) được phổ biến và nhiều nhà khoa học kế thừa và sử dụng. Theo Bontis và cộng sự (2000) vốn trí tuệ có thể được chia thành 3 thành phần: vốn nhân lực, vốn cấu trúc và vốn mối quan hệ. Theo đó, mỗi thành phần sẽ có những đặc điểm riêng khác nhau.

Vốn nhân lực

Vốn nhân lực là tố chất riêng của từng cá nhân và không được sở hữu trực tiếp bởi tổ chức Edvinsson và Malone (1997). Theo hướng dẫn Meritum (2003), vốn nhân lực đề cập đến kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của nhân viên gồm: năng lực đổi mới, sáng tạo, bí quyết và kinh nghiệm, khả năng làm việc nhóm, tính linh hoạt, khả năng chịu áp lực, động lực, sự hài lòng, năng lực học tập, lòng trung thành, đào tạo và giáo dục. Vốn nhân lực cũng là thành phần cơ bản trong vốn trí tuệ (Yang và Lin, 2009). Tương tự, Kavida và Sivakoumar (2009) đã xem vốn nhân lực là sự hội tụ các đặc điểm của nhân viên như kỹ năng, năng lực, kinh nghiệm, giáo dục và thái độ về cuộc sống và kinh doanh. Các năng lực khác nhau như học tập và giáo dục, kinh nghiệm và chuyên môn, sáng tạo, thái độ của nhân viên cũng như tuyển dụng và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực (Sharabati và cộng sự, 2010; Subramaniam và Youndt, 2005). Ví dụ: nhân viên có kinh nghiệm, được đào tạo, có khả năng sáng tạo và có động lực làm việc cao có thể làm việc hiệu quả hơn và do đó tạo lợi thế cho doanh nghiệp. Hay theo Halim (2010) nhận định vốn nhân lực thể hiện những gì nhân viên mang lại trong quá trình gia tăng giá trị gồm năng lực chuyên môn, động lực của nhân viên và khả năng lãnh đạo. Như vậy, vốn nhân lực là tất cả các yếu tố liên quan đến nhân sự trong doanh nghiệp, tổ chức như khả năng làm việc của người lao động, kỹ năng quản lý của các nhà quản trị trong doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Vốn cấu trúc

Vốn cấu trúc hay vốn tổ chức những yếu tố mang tính “tổ hợp” và “vô hình” mà tổ chức/doanh nghiệp sở hữu như: tri thức tập thể, các quy trình nội bộ, ý chí và văn hóa chung của tổ chức…Vốn cấu trúc đề cập đến cơ chế và cấu trúc của một tổ chức giúp hỗ trợ nhân viên đạt hiệu quả trí tuệ tối ưu (Bollen và cộng sự, 2005). Edvinsson và Malone (1997) nhấn mạnh rằng “vốn cấu trúc bao gồm kiến ​​thức được tập hợp trong các hệ thống, cơ sở dữ liệu và chương trình”. Bontis và cộng sự (2002) nhận xét rằng một cá nhân trong một tổ chức không bao giờ có thể đạt được tiềm năng đầy đủ nhất nếu quy trình tổ chức của doanh nghiệp yếu kém. Vốn cấu trúc là kết quả từ các hệ thống và chương trình, công nghệ thông tin, văn hóa doanh nghiệp, sự đổi mới và phát triển (Sharabati và cộng sự, 2010). Ví dụ: các quy trình làm việc chặt chẽ rõ ràng, ứng dụng công nghệ thông tin tốt sẽ giúp nhân viên thuận tiện hơn trong quá trình làm việc, nâng cao hiệu quả của nhân viên, từ đó nâng cao năng suất lao động và giá trị của doanh nghiệp. Có thể nói vốn cấu trúc chính là khung xương và kết dính của một doanh nghiệp. (Cabrita và Bontis, 2008)

Như vậy, vốn cấu trúc đại diện cho các nguồn lực vô hình trong tổ chức ngoại  trừ  nguồn nhân lực. Nó bao gồm tất cả các yếu tố và là điều kiện giúp cho một tổ  chức hoạt động, ngoài ra vốn cấu trúc cũng góp phần hỗ trợ các hoạt động trong công việc của nhân viên như: văn hóa doanh nghiệp, thực tiễn và quy trình làm việc, sở hữu trí tuệ. Văn hóa doanh nghiệp là điều kiện cho các nhân viên cùng làm việc để hướng đến mục tiêu chung. Thực tiễn và quy trình làm việc phản ánh quá trình chia sẻ kiến thức trong nội bộ công ty. Sở hữu trí tuệ bao gồm các tài sản vô hình được bảo vệ về  mặt luật pháp như bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu, thiết kế, bí mật kinh doanh và dữ liệu.

Vốn mối quan hệ

Các thành phần vốn cấu trúc và vốn nhân lực không thể đặt ngoài mối quan hệ với thành phần vốn quan hệ. Shih và cộng sự (2010) cho rằng vốn quan hệ là sự tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng, hay doanh nghiệp với các nhà cung cấp, nhà thầu và các đối tác liên kết khác. Các năng lực như quan hệ khách hàng cũng như lòng trung thành của khách hàng và niềm tin đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vốn quan hệ (Sharabati và cộng sự, 2010). Ví dụ, mức độ trung thành và tin cậy của khách hàng cao hơn, tốt hơn sẽ thể hiện mối quan hệ với khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, thành phần vốn này cũng thể hiện uy tín của doanh nghiệp và tổ chức và sự tin cậy của công chúng đối với doanh nghiệp đó.

3. Vốn trí tuệ và báo cáo tài chính

Theo quy định hiện nay, chỉ có chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 có đề cập đến tài sản vô hình tại doanh nghiệp đó là tài sản cố định vô hình. Theo đó, một tài sản cố định vô hình được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó mang lại;

+ Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy;

+ Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm;

+ Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành.

Như vậy, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay ở Việt Nam chưa đề cập đến vốn trí tuệ với đặc tính là vô hình, liên quan đến con người và có khả năng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn trí tuệ là khái niệm lớn hơn và bao trùm khái niệm tài sản cố định vô hình theo Chuẩn mực kế toán số 04. 

Do đó, nhằm tăng cường hiểu biết về vốn trí tuệ cũng như nhằm cung cấp đầy đủ hơn cho người sử dụng thông tin về các hoạt động của doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách có thể xây dựng các hướng dẫn về việc nhận diện, đo lường và báo cáo về vốn trí tuệ cho các doanh nghiệp

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bollen, L., Vergauwen, P., & Schnieders, S. (2005), Linking intellectual capital and intellectual property to company performance, Management Decision, 43(9), 1161-1185.

Bontis, N. (1998), Intellectual capital: an exploratory study that develops measures and models, Management Decision, 36(2), 63-76.

Bontis, N., Chua Chong Keow, W., & Richardson, S. (2000), Intellectual capital and business performance in Malaysian industries, Journal of Intellectual Capital, 1(1), 85-100.

Bontis, N., Crossan, M. M., & Hulland, J. (2002), Managing an organizational learning system by aligning stocks and flows, Journal of management studies, 39(4), 437-469.

Brooking, A. (1997), Intellectual Capital, London: International Thompson Business Press.

Cabrita, M. d. R., & Bontis, N. (2008), Intellectual capital and business performance in the Portuguese banking industry, International Journal of Technology Management, 43(1-3), 212-237.

Edvinsson, L., & Malone, M. (1997), Intellectual Capital, New York: Harper Business.

Guthrie, J., Ricceri, F., & Dumay, J. (2012), Reflections and projections: a decade of intellectual capital accounting research, The british accounting review, 44(2), 68-82.

Halim, S. (2010), Statistical analysis on the intellectual capital statement, Journal of Intellectual Capital, 11(1), 61-73.

Harrison, S., & Sullivan, P. H. (2000), Profiting from intellectual capital: learning from leading companies, Journal of Intellectual Capital, 1, 33-46.

Kavida, V., & Sivakoumar, N. (2009), Intellectual Capital: A Strategic Management Perspective, IUP Journal of Knowledge Management, 7(5/6), 55-69.

Marr, B., & Moustaghfir, K. (2005), Defining intellectual capital: a three‐dimensional approach, Management Decision, 43(9), 1114-1128.

Martín-de Castro, G., Díez-Vial, I., & Delgado-Verde, M. (2019), Intellectual capital and the firm: evolution and research trends, Journal of Intellectual Capital, 20(4), 550-580.

Roos, G. (2005), Intellectual capital and strategy: a primer for today’s manager, Handbook of business strategy, 6(1), 123-132.

Sharabati, A. A. A., Jawad, S. N., & Bontis, N. (2010), Intellectual capital and business performance in the pharmaceutical sector of Jordan, Management Decision, 48(1), 105-131.

Shih, K. H., Chang, C. J., & Lin, B. (2010), Assessing knowledge creation and intellectual capital in banking industry, Journal of Intellectual Capital, 11(1), 74-89.

Stewart, T. (1997), Intellectual Capital: The New Wealth of Nations, New York, NY: Doubleday Dell Publishing Group.

Subramaniam, M., & Youndt, M. A. (2005), The influence of intellectual capital on the types of innovative capabilities, Academy of Management journal, 48(3), 450-463.

Yang, C. C., & Lin, C. Y. Y. (2009), Does intellectual capital mediate the relationship between HRM and organizational performance? Perspective of a healthcare industry in Taiwan, The International Journal of Human Resource Management, 20(9), 1965-1984.