Chat GPT ảnh hưởng đến ngành Kế toán như thế nào?

Chat GPT - một sản phẩm trí tuệ nhân tạo đang làm bùng nổ mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người bởi những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại. Đối với ngành Kế toán, có quan điểm cho rằng Chat GPT và các hệ thống trí tuệ nhân tạo khác có thể thay đổi cách thức thực hiện kế toán trong tương lai. Bài viết này sẽ giới thiệu cơ bản về Chat GPT và bàn luận về ảnh hưởng của nó đến kế toán.

Gần đây, Chat GPT - một sản phẩm trí tuệ nhân tạo đang làm bùng nổ mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người bởi những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại. Nó có khả năng truy xuất thông tin rất nhanh và rành mạch bất kể lĩnh vực nào. Cụ thể, đối với ngành Kế toán, có quan điểm cho rằng Chat GPT và các hệ thống trí tuệ nhân tạo khác có thể thay đổi cách thức thực hiện kế toán trong tương lai. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Chat GPT là gì và sức ảnh hưởng của nó đến kế toán như thế nào nhé!

Chat GPT là gì?

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot được OpenAI phát triển dựa trên mô hình Transformer của Google. Đây là một AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ người dùng trong việc tạo ra các cuộc trò chuyện tự động và trả lời câu hỏi về đa dạng các chủ đề, lĩnh vực khác nhau. Nội dung cuộc trò chuyện dựa trên bộ dữ liệu khổng lồ bao gồm nhiều loại sách, báo và các website được cập nhật đến năm 2021. Kích thước chính xác của bộ dữ liệu này được bảo mật vì lý do độc quyền nhưng Chat GPT được tin là một trong những bộ dữ liệu AI lớn nhất cho đến nay. Hình thức này không phải là lần đầu tiên xuất hiện, nhưng Chat GPT đã gây chú ý bởi nó không chỉ nhanh mà còn “đa tài”. Ngoài những thông tin được trích xuất từ dữ liệu có sẵn, nó còn có khả năng làm các công việc sáng tạo, nghệ thuật như làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế. Đặc biệt, điều thú vị nhất về Chat GPT khiến cho những người liên quan đến ngành Kế toán bất ngờ đó là nó có thể trả lời những câu hỏi cụ thể về kế toán.

Chat GPT được sử dụng trong kế toán như thế nào?

Dưới đây là một ví dụ về việc đặt câu hỏi trong Chat GPT "What is the journal entry for recording the sale of a car for $10,000?" (Tạm dịch: Bút toán ghi nhận việc bán một chiếc ô tô với giá $10,000 là gì?)

Chat GPT trả lời cách viết một bút toán bán hàng

Kết quả trả về là một câu trả lời đúng với bối cảnh và kèm theo giải thích chi tiết. Thật bất ngờ đúng không?

Câu trả lời này dựa trên sự tổng hợp từ hàng nghìn đến hàng triệu điểm dữ liệu thay vì trích lại từ một bài báo đã được ai đó viết trước đó. Đây là một điểm vượt trội của Chat GPT so với công cụ tìm kiếm thông thường như Google hoặc Bing.

Chat GPT không chỉ trả lời những câu hỏi đơn giản

Để kiểm tra khả năng của Chat GPT, một người dùng đã thử đưa ra các câu hỏi phức tạp hơn về kế toán với các số liệu cụ thể. Chat GPT trả về câu trả lời với mức độ chi tiết đáng ngạc nhiên. Người dùng này bình luận rằng Chat GPT hiện tại mới chỉ đang trả lời dựa trên một bộ dữ liệu chung, vậy nếu trong tương lai có một phần mềm và bộ dữ liệu thiết kế dành riêng cho kế toán, kiểm toán và thuế, thì anh ấy tin chắc câu trả lời sẽ còn chi tiết hơn nữa.

Chat GPT đưa ra lời giải chi tiết cho một bài tập kế toán chi phí

Chat GPT có thể thay thế kế toán viên?

Sự xuất hiện của Chat GPT và mức độ phủ sóng của nó khiến cho nhiều người lo rằng liệu Chat GPT có thể thay thế con người làm các công việc liên quan kế toán hay không? Các chuyên gia nhận định rằng dù Chatbot AI có thể giải đáp được đa vấn đề nhưng nó vẫn thiếu kỹ năng tư duy phản biện và nhận định đúng sai. Hiện nay, bộ dữ liệu của Chat GPT mới chỉ được cập nhật đến năm 2021, nên sẽ có khả năng câu trả lời của Chat GPT không đúng hoặc bị lỗi thời. Bản thân OpenAI cũng từng lên tiếng thừa nhận một số câu trả lời của ChatGPT nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc nó là vô nghĩa.

Ngành kế toán đã thay đổi mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua. Những thay đổi, chỉnh sửa về chính sách, thông tư, nghị định, hướng dẫn,… thường xuyên và liên tục xảy ra. Hơn nữa, ngoài các công việc mang tính chất lặp lại, kế toán còn được yêu cầu phân tích, giải thích thông tin tài chính và hỗ trợ nhà quản trị ra quyết định. Vì vậy, nguồn nhân lực vẫn đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong ngành kế toán. Tuy nhiên, nếu chúng ta từ chối sản phẩm trí tuệ nhân tạo - những sản phẩm được ra đời với mục đích giảm bớt gánh nặng cho con người, thì chúng ta có thể sẽ trở nên lạc hậu trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển nhanh như ngày nay. Để công việc trở nên dễ dàng và hiệu qủa hơn, chúng ta nên biết cách tận dụng và ứng dụng một cách linh hoạt.

Làm cách nào có thể tận dụng Chat GPT trong công việc kế toán?

Kế toán có thể sử dụng Chat GPT như một người hỗ trợ trong các lĩnh vực mà họ không chuyên. Cụ thể, khi nghề kế toán phát triển, kế toán sẽ được yêu cầu trở thành chuyên gia đa lĩnh vực. Tại các nước phát triển, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên kế toán có khả năng phân tích dữ liệu tài chính và lập báo cáo bằng Hệ thống quản trị thông minh (Bussiness Intelligence Systems) - ứng dụng có khả năng tích hợp công nghệ giúp nhà quản trị doanh nghiệp kiểm soát khối lượng dữ liệu khổng lồ đến từ nhiều nguồn khác nhau và khai thác nguồn dữ liệu đó một cách hiệu quả. Giả sử khi kế toán được yêu cầu sử dụng Power BI, một công cụ quản trị thông minh, để so sánh doanh thu của hai khoảng thời gian, nhưng họ lại không đủ thành thạo để sử dụng công cụ này. Lúc này, kế toán có thể nhờ đến Chat GPT để cung cấp cho các gợi ý hữu ích về cách xây dựng công thức.

Chat GPT viết công thức trên phần mềm Power BI

Tóm lại, những ưu điểm nổi trội của Chat GPT nói riêng và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo nói chung là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng được tạo ra chỉ có công dụng hỗ trợ con người chứ không thay thế, vậy nên hãy tận dụng và sử dụng chúng một cách thông minh để công việc dễ dàng và hiệu quả hơn.

Nguyễn Giang Khánh Hằng - BM Kế toán