Trong bối cảnh hiện nay, khi giáo dục không chỉ dừng lại ở việc trao đổi và kiến tạo tri thức mà còn hướng tới phát triển toàn diện nhân cách thì văn hóa ứng xử đóng vai trò then chốt trong việc hình thành con người tử tế, có trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận sinh viên vẫn còn hạn chế trong nhận thức và hành vi ứng xử, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường. Dưới dây là một số giải pháp cần thiết giúp nâng cao văn hóa ứng xử cho sinh viên trong nhà trường.
Nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử – Nền tảng của hành vi đúng đắn
Nhận thức là bước khởi đầu quyết định hành vi. Tuy nhiên, không ít sinh viên hiện nay vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hóa ứng xử với các biểu hiện như: giao tiếp thiếu chuẩn mực, không tôn trọng giảng viên, cư xử thiếu văn minh trên mạng xã hội,… Để thay đổi thực trạng này, cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về văn hóa ứng xử. Nhà trường có thể sử dụng hệ thống truyền thông nội bộ như bảng tin, website, fanpage để lan tỏa những câu chuyện đẹp, tấm gương người tốt – việc tốt trong ứng xử học đường, lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa trong các môn học,… Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi tọa đàm, chuyên đề, hội thảo về văn hóa học đường với sự tham gia của chuyên gia, giảng viên và chính sinh viên sẽ giúp sinh viên mở rộng góc nhìn, nâng cao nhận thức, từ đó dẫn đến thay đổi hành vi một cách bền vững.
Đổi mới hình thức giáo dục – Làm mới cách tiếp cận nội quy và quy định
Một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện nội quy, quy định về ứng xử học đường chưa hiệu quả là do hình thức tuyên truyền còn thiếu sức hấp dẫn. Để khắc phục, cần đổi mới toàn diện nội dung và phương pháp giáo dục. Trước hết, nội dung tuyên truyền cần gần gũi, thiết thực, gắn với các tình huống cụ thể sinh viên thường gặp trong học tập và đời sống. Sử dụng các phương tiện trực quan như video ngắn, tiểu phẩm, tình huống đóng vai sẽ giúp sinh viên tiếp nhận thông tin dễ dàng và nhớ lâu hơn. Về phương pháp, cần áp dụng mô hình giáo dục tích cực, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sinh viên thảo luận nhóm, phản biện, giải quyết tình huống thực tế. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục – thông qua các cuộc thi trực tuyến, minigame về văn hóa ứng xử – cũng là hướng đi hiệu quả, phù hợp với xu hướng của thế hệ sinh viên Gen Z. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng viên, cố vấn học tập, ban cán sự lớp trong việc theo dõi, hỗ trợ sinh viên thực hiện tốt nội quy và điều chỉnh kịp thời những hành vi lệch chuẩn.
Phát huy vai trò chủ động của sinh viên – Chìa khóa tạo dựng môi trường học đường văn minh
Sinh viên không chỉ là đối tượng được giáo dục mà còn là chủ thể của sự thay đổi. Khi mỗi sinh viên ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng văn hóa học đường thì môi trường giáo dục sẽ trở nên tích cực và lành mạnh hơn. Trên tinh thần đó, nhà trường cần khuyến khích thành lập các đội “Sinh viên nòng cốt về văn hóa ứng xử” gồm những cá nhân gương mẫu, có ảnh hưởng tích cực trong lớp, trong câu lạc bộ, đoàn hội. Đây sẽ là lực lượng tiên phong trong việc lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời kịp thời phản ánh, nhắc nhở những hành vi chưa đúng của bạn bè. Cùng với đó, sinh viên cần được tạo cơ hội để tham gia vào các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội – nơi họ không chỉ rèn luyện kỹ năng mà còn học cách thấu cảm, sẻ chia và ứng xử phù hợp trong mọi tình huống. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế khen thưởng – tuyên dương những cá nhân, tập thể có hành vi ứng xử đẹp, đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhằm răn đe và giáo dục toàn diện.
Văn hóa ứng xử trong trường học không thể hình thành trong một sớm một chiều, mà cần sự nỗ lực kiên trì, đồng bộ và sáng tạo từ nhiều phía. Ba nhóm giải pháp trọng tâm gồm: nâng cao nhận thức, đổi mới giáo dục, và phát huy vai trò chủ động của sinh viên – nếu được triển khai hiệu quả sẽ tạo nền móng vững chắc cho một môi trường học đường văn minh, nhân văn. Đó cũng là tiền đề để đào tạo nên những thế hệ sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn giàu nhân cách và có trách nhiệm với cộng đồng.
Bùi Thị Thu Huế