Xu hướng phát triển mới của ngành Kinh tế - Trường Đại học Thủy Lợi

Nền kinh tế thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ do tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như sự chuyển dịch và liên kết kinh tế giữa các quốc gia. Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài trong bối cảnh đó. Sự phát triển của công nghệ 4.0 và nền kinh tế số đã và đang làm thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, phương thức quản lý và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế cũng như các lý thuyết kinh tế có liên quan. Trên thực tế một số học giả kinh tế khuyến nghị cần xem xét lại các lý thuyết kinh tế cơ bản đã được áp dụng trong gần 3 thế kỷ qua. Một số lập luận được đưa ra đó là tài nguyên số được xem là nguồn tài nguyên vô hạn (trái ngược với các lý thuyết trước đây về tài nguyên hữu hạn) và các phương pháp đo lường tăng trưởng kinh tế không còn phù hợp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay. Hơn nữa, sự biến động liên quan đến địa chính trị và kinh tế thế giới đã và đang làm thay đổi và dịch chuyển các dòng chảy thương mại, đầu tư, vốn, công nghệ hay nhân lực đã và đang tạo ra nền tảng và khuôn khổ mới cho cho các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa các quốc gia. Việt Nam được xem là sẽ được hưởng lợi đáng kể từ những biến động đó nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội.

Thêm vào đó, sự phát triển của những hình thái, lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; các ngành dịch vụ mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch; các vấn đề thúc đẩy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách hệ thống tài chính, quản trị quốc gia, phát triển xã hội, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện chính sách, xây dựng thể chế liên kết phát triển vùng,… đã và đang làm thay đổi đáng kể cách thức các nhà kinh tế tiếp cận và đánh giá các vấn đề trong nền kinh tế. Do đó, để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đào tạo cử nhân Kinh tế cũng đang đứng trước những thách thức để làm sao có những điều chỉnh sao cho phù hợp trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Ngành Kinh tế của Trường Đại học Thủy lợi hiện nay đào tạo 4 chuyên ngành bao gồm Kinh tế phát triển, Kinh tế quốc tế, Kinh tế đầu tư, và Kinh tế tài nguyên thiên nhiên. Với xu hướng phát triển hiện nay, ngoài việc trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về kinh tế, hiểu được sự vận động, các nguyên tắc kinh tế, các tác nhân quan trọng của nền kinh tế, ngành Kinh tế của trường cần quan tâm trang bị những kiến thức mang tính ứng dụng hơn để sinh viên tốt nghiệp ra trường có được những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệp phù hợp đáp ứng sự đa dạng của các vị trí việc làm trong thực tế.

Một số ví dụ có thể kể đến về những cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn đối với sinh viên ngành Kinh tế cho các vị trí việc làm mới như nhân viên phân tích và đánh giá rủi ro các hoạt động như đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã và đang được các tổ chức, các doanh nghiệp quan tâm. Trong một thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc trang bị những kiến thức và công cụ phân tích dữ liệu, phân tích định lượng cho sinh viên ngành Kinh tế sẽ tạo ra những thế mạnh cho những cử nhân kinh tế tương lai của Trường Đại học Thủy lợi.

Từ những thách thức trên có thể thấy rằng chương trình đào tạo ngành kinh tế và cử nhân tốt nghiệp ngành kinh tế nói chung sẽ có nhiều thách thức. Thách thức đối với chương trình đào tạo ngành là làm sao phải hướng tới trang bị cho sinh viên những kiến thức mang tính thực tiễn, giải quyết được những vấn đề mà nhu cầu vị trí việc làm đặt ra. Về thách thức đối với cử nhân kinh tế khi tham gia vào thị trường lao động đó là sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong quá trình xin việc làm. Nếu không đáp ứng đủ yêu cầu công việc trong lĩnh vực này, tỷ lệ đào thải người lao động là nhanh chóng hơn các ngành khác.

Mặc dù có những thách thức trên, cơ hội vẫn là rất lớn về nhu cầu đào tạo ngành kinh tế nói chung và sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế của trường Đại học Thủy lợi nói riêng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành Kinh tế là rất lớn. Ngày nay các lĩnh vực, ngành mới đang có bước chuyển mình nhờ sự phát triển của công nghệ số nên nhu cầu tuyển dụng trong nhóm ngành này là rất lớn. Với sự hội nhập nhanh và toàn diện trong nền kinh tế toàn cầu, thị trường việc làm trong ngành kinh tế tại Việt Nam đón nhận nhiều nhà đầu tư nước ngoài kèm theo đó là mức thu nhập hấp dẫn sẽ là những cơ hội tốt cho cử nhân kinh tế tham gia vào thị trường lao động tương lai.

Nhìn chung cinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế của trường Đại học Thủy lợi sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, các định chế đầu tư và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ ở trong nước và nước ngoài thuộc nhiều thành phần kinh tế và lĩnh vực khác nhau. Các cử nhân kinh tế có thể làm chuyên gia phân tích, hoạch định chính sách, tư vấn đầu tư, thẩm định chính sách, quản trị chiến lược, tư vấn về lao động và quản lý nhân sự, nghiên cứu thị trường,… trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Với những nhận định như trên, ngành Kinh tế trường Đại học Thủy lợi sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đào tạo được những thế hệ sinh viên đáp ứng những đòi hỏi của thị trường lao động ngày càng khó tính hiện nay. Những khối kiến thức mới được cập nhật, các kỹ năng mới cần trang bị cho sinh viên sẽ là hành trang giúp sinh viên ngành Kinh tế theo đuổi được những ước mơ và có thể đạt được thành công trong tương lai. Với những khát vọng và nỗ lực lớn của mình, các sinh viên của ngành Kinh tế trường Đại học Thủy lợi sẽ đạt được những mục tiêu phát triển của mình để vươn cao và thành công trong tương lai./.