Ví điện tử là gì?

Trong thời kỳ số hoá cùng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển, ví điện tử là phân khúc sôi động, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của thanh toán kỹ thuật số tại thị trường Việt Nam.

Theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP, “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính,…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”

Nói cách khác, ví điện tử là một tài khoản điện tử được tích hợp trên ứng dụng thiết bị di động hoặc web, giúp người dùng thanh toán và thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến với các trang web điện tử như chuyển khoản, thanh toán hoá đơn, mua vé xem phim, mua hàng hoá, dịch vụ trực tuyến, thanh toán trên các sàn thương mại điện tử,…

Ngoài ra, ví điện tử còn có những chức năng khác như:

- Nạp, rút tiền từ tài khoản ngân hàng liên kết với ví

- Chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền đến ví điện tử cùng đơn vị phát hành (ví dụ bạn chuyển tiền giữa các ví điện tử Momo với nhau)

- Mua vé máy bay, tàu xe, đặt phòng khách sạn

 

Có thể thấy rằng, ví điện tử có rất nhiều ưu điểm: Thanh toán đơn giản, tiện lợi và mất ít thời gian hơn; đa dạng các tính năng giao dịch; nhiều ưu đãi từ nhà cung cấp ví điện tử và các đối tác liên kết; chi phí sử dụng thấp;… Bên cạnh đó, người dùng ví điện tử cũng lưu ý chủ động thực hiện một số việc về bảo mật thông tin, tránh kẻ gian trục lợi.

Tại thị trường Việt Nam, vào năm 2009, có 6 công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm dịch vụ ví điện tử đó là: VietUnion, MobiVi, VNPay, Smartlink, VinaPay và M-Service. Tính tới cuối năm 2023, Việt Nam có trên 43 nhà cung cấp ví điện tử tham gia vào thị trường thanh toán. Tuy nhiên, thị phần thực sự chỉ nằm trong tay các ông lớn trong ngành (chiếm tới 90%) lần lượt là Momo, Zalopay, Viettelpay, ShopeePay, VNPay, Moca.

Với 31 triệu người dùng, Momo là ví điện tử nắm giữ thị phần lớn nhất Việt Nam. Sự tăng trưởng về thị phần là những nỗ lực không ngừng từ phía công ty, Momo liên tục cải tiến giao diện thiết kết, phát triển tính năng trên ứng dụng, triển khai nhiều chương trình kết nối với khách hàng, tiên phong cung cấp dịch vụ, và hợp tác với nhiều tổ chức trong nước, quốc tế. Ví điện tử Zalopay đứng thứ hai với khoảng trên 11.5 triệu người dùng. Tháng 7/2023, Zalopay đã ra mắt dịch vụ QR đa năng, cho phép người dùng có thể quét mã và thanh toán chỉ trong vài giây.

Với xu thế cạnh tranh khốc liệt của thị trường ví điện tử, các nhà cung cấp ví đều cố gắng duy trì thị phần bằng cách phát triển các hệ sinh thái thông qua việc đa dạng hợp tác cùng các ứng dụng, và nền tảng thương mại. Cùng chờ đón xem các xu hướng hợp tác và sáp nhập của các công ty ví điện tử sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian tới.

  Gửi ý kiến phản hồi
797