Trường Đại học Thủy lợi tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Chương trình đào tạo (CTĐT) Ngành Thương mại điện tử (TMĐT) được cấu trúc từ các học phần thuộc hai khối kiến thức: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp. Mục tiêu và nhiệm vụ của chương trình đào tạo Cử nhân Ngành TMĐT như sau:
1. Nhiệm vụ chung
Giảng dạy, đào tạo cử nhân Thương mại điện tử có kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, khả năng tự chủ và chịu trách nhiệm; có khả năng tham gia hoạch định chiến lược, lập kế hoạch, quản trị hoạt động và thực hiện tác nghiệp kinh doanh tại các doanh nghiệp thương mại điện tử; có trình độ ngoại ngữ tốt và thông thạo công nghệ thông tin hướng đến năng lực khởi nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.
2. Mục tiêu đào tạo của ngành Thương mại điện tử
2.1. Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân thương mại điện tử có tinh thần yêu nước, có ý thức rèn luyện sức khỏe, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm xã hội, có kiến thức lý luận chính trị căn bản, kiến thức nền tảng rộng về kinh tế quản lý, có kiến thức và kỹ năng sâu về chuyên môn thương mại điện tử, có khả năng làm việc độc lập, tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo và kĩ năng giao tiếp tốt trong môi trường hội nhập quốc tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a. Về kiến thức
- Kiến thức giáo dục đại cương: Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, của Đảng Cộng sản Việt Nam, và một số kỹ năng quân sự cơ bản, các kiến thức cơ bản về pháp luật, toán, tin học, ngoại ngữ và phương pháp nghiên cứu khoa học.
- Kiến thức cơ sở ngành: Trang bị các kiến thức cơ bản về nguyên lý kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, quản trị học, marketing căn bản, nguyên lý kế toán, thống kê, v.v… bổ trợ cho học tập kiến thức ngành.
- Kiến thức ngành: Trang bị các kiến thức về tin học, toán học, công nghệ thông tin ứng dụng trong kinh doanh, kiến thức nền tảng rộng về kinh tế, quản trị và thương mại, kiến thức chuyên sâu về thương mại điện tử. Các kỹ năng nghề nghiệp về thương mại điện tử, như thiết kế hệ thống, sáng tạo và triển khai ý tưởng kinh doanh, lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh, tiến hành các hoạt động và các giao dịch thương mại điện tử.
b. Về kỹ năng
Có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, và các kỹ năng lãnh đạo. Có khả năng giao tiếp, ứng xử, đàm phán, truyền đạt thông tin và thuyết trình. Cỏ khả năng viết báo cáo, trình diễn và tiến hành truyền thông thương mại điện tử của doanh nghiệp.
Biết cách cài đặt chế độ, các ứng dụng thông dụng trên máy tính, khắc phục các sự cố thông thường của máy tính, sử dụng các công cụ thông dụng trên mạng Internet. Thành thạo xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh điện tử, dự án thương mại điện tử và giải quyết các tình huống quản trị cơ bản trong kinh doanh điện tử.
Có khả năng quản trị website thương mại điện tử, sử dụng, khai thác được các ứng dụng thương mại điện tử phổ biến trong doanh nghiệp, như: marketing và quảng cáo, quản trị chuỗi cung ứng; quản trị nguồn lực doanh nghiệp; sàn giao dịch thương mại điện tử; hoạt động đấu giá, dự báo, lên kế hoạch; quản trị quan hệ khách hàng, quan hệ đối tác; chữ ký số, các giao thức an toàn; các ứng dụng trên thiết bị di động, v.v…
c. Trình độ ngoại ngữ và tin học
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học ngành Thương mại điện tử có thể sử dụng tiếng Anh để đọc và hiểu các tài liệu chuyên ngành, giao tiếp và trao đổi về thương mại điện tử. Ngoài ra, sinh viên còn có khả năng sử dụng máy tính phục vụ cho soạn thảo văn bản và thực hiện các công việc chuyên môn, và ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh.
d. Về thái độ
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại điện tử có đạo đức nghề nghiệp, đoàn kết, hợp tác, và ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, chấp hành quy định và pháp luật trong môi trường Thương mại điện tử; tự tin, bản lĩnh, mạnh dạn khẳng định năng lực bản thân; nhanh nhẹn, nhiệt tình, chủ động, độc lập trong công việc.
3. Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Thương mại điện tử có thể làm được các công việc tại:
- Doanh nghiệp kinh doanh trên web, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ marketing số và thanh toán điện tử;
- Công ty tin học, công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện các giải pháp công nghệ trong kinh doanh, thương mại;
- Các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử;
- Trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ, các sở ban ngành liên quan đến việc công nghệ thông tin.
4. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
- Sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện để tiếp tục học tập, nghiên cứu lấy bằng thạc sĩ ở trong và ngoài nước cùng ngành đào tạo hoặc ngành đào tạo gần đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp.
- Có khả năng tiếp cận với quy định, quy trình công việc cụ thể đối với các vị trí đảm nhận.
- Có khả năng tự học tập, nghiên cứu và thực hiện các hoạt động để phát triển thành các nhà quản lý ở các cấp khác nhau.
5. Chương trình đào tạo và nội dung chương trình
- Thời gian đào tạo: 4 năm với 130 tín chỉ
- Kiến thức đại cương: bao gồm 30 tín chỉ, trang bị cho sinh viên kiến thức về Lý luận của Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kỹ năng mềm và tinh thần khởi nghiệp, khoa học tự nhiên và tin học;
- Kiến thức cơ sở khối ngành: bao gồm 21 tín chỉ, trang bị các kiến thức chuyên môn cốt lõi và bổ trợ cung cấp nền tảng kiến thức về kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, quản trị học, marketing căn bản, pháp luật kinh tế, tài chính – tiền tệ;
- Kiến thức ngành Thương mại điện tử: bao gồm 69 tín chỉ, trang bị các kiến thức chuyên sâu về hệ thống thương mại điện tử, quản trị chiến lược, tác nghiệp thương mại điện tử, marketing thương mại điện tử, thanh toán điện tử, an toàn thông tin, quản trị rủi ro thương mại điện tử;
- Thực tập và Khóa luận tốt nghiệp: bao gồm 10 tín chỉ, nhằm kiểm tra đánh giá toàn bộ lượng kiến thức mà sinh viên đã thu nhận được trong suốt quá trình học tập tại đại học, giúp sinh viên biết cách tổng hợp, sắp xếp và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn.
6. Nhu cầu lao động của ngành Thương mại điện tử
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị ban hành về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, trong đó chủ đạo là phát triển nền kinh tế số. Nhu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn về Thương mại được dự báo sẽ là rất lớn.
7. Các điểm mạnh của ngành Thương mại điện tử đào tạo tại Trường Đại học Thủy Lợi
- Giảng viên tham gia giảng dạy được đào tạo tại các trường đại học có tiếng trong nước và ngoài nước như Thụy Điển, Úc, và Hàn Quốc, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chuyên sâu về ngành nghề.
- Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng, có phương pháp tư duy lô-gic, kỹ năng làm việc độc lập và theo nhóm tốt, nên có đủ năng lực làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
- Mục tiêu đào tạo hướng đến trang bị kiến thức hiện đại phù hợp với quốc tế trong môi trường toàn cầu hóa.
- Có các chương trình định hướng học tập và định hướng nghề nghiệp, lộ trình học tập, rèn luyện rõ ràng.
- Thường xuyên tổ chức chương trình, các buổi hội thảo với các doanh nghiệp, công ty, diễn giả, chuyên gia về lĩnh vực thương mại điện tử, giúp sinh viên có nhiều cơ hội để kết nối và thực tập.
- Trường nằm tại trung tâm thành phố, thuận tiện đi lại, có rất nhiều cơ hội làm thêm, trải nghiệm thực tiễn hoạt động kinh doanh..
- Cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi.
8. Cơ hội du học và các thông tin khác
Sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Thủy Lợi có cơ hội du học tại các nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó ngoài các học phần tiếng Anh cơ bản, chương trình đào tạo có những học phần tiếng Anh chuyên ngành Thương mại điện tử chuyên sâu đảm bảo sinh viên có trình độ tiếng Anh tốt sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, sinh viên hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo có cơ hội lớn trong tiếp cận các nguồn học bổng đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ ở nước ngoài.
9. Thông tin liên hệ
- Văn phòng bộ môn: Phòng 304, tầng 3, nhà A5, Đại học Thủy Lợi, 175 Tây Sơn, Hà Nội
- Trưởng bộ môn: PGS. TS. Nguyễn Văn Minh