CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM (PHẦN 1)

Bài nghiên cứu của PGS.TS Phan Tố Uyên và Ths Vũ Đức Minh về tầm quan trọng của chuyển đổi số của ngành Logistics và thực trạng công tác chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Những năm gần đây, việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, đã tạo ra cú hích quan trọng cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Khi hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành logistics tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như thiếu tính kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics đã làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Chính vì vậy, để phát triển ngành logistics Việt Nam cần tăng cường chuyển đổi số (CĐS) cho các doanh nghiệp, đây là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Logistics Việt Nam, chỉ rõ những hạn chế yếu kém và đề xuất một số định hướng giải pháp tăng cường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp ngành Logistics Việt Nam những năm tới.

1. Giới thiệu

Nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động, nơi giao lưu của nhiều luồng hàng hoá trên thế giới, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics. Mới đây, Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với nhiều giải pháp toàn diện, thể hiện rõ cam kết của Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm bớt chi phí logistics. Với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và rất nhiều các biến động về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh trên thế giới, logistics đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc liên kết chặt chẽ các bên liên quan, duy trì và chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. Bất chấp sự ảnh hưởng từ COVID-19, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh cơ hội đến từ logistics cho thương mại điện tử, những hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được Việt Nam ký kết với những đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại nhiều thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics, là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng sau đại dịch COVID-19. Những hiệp định như CPTPP, EVFTA sẽ là cú hích cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Khi hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành logistics.

Thời gian gần đây sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Logistics hiện đại trên thế giới hiện nay đã phát triển đến loại hình 4PL (Chuỗi logistics) và 5PL (E-logistics, logistics trên nền thương mại điện tử). Có thể thấy, đây là cơ hội để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nắm bắt xu hướng, mở rộng hợp tác quốc tế. Theo Báo cáo "Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2022" của Agility, Việt Nam xếp hạng thứ 11/50 thị trường logistic mới nổi tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-logistics (dịch vụ hậu cần thương mại điện tử) trong nước ngày càng sôi nổi với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp năng động, linh hoạt thích ứng. Trên cả nước hiện cóhơn 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logististics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, mặc dù là một ngành nhiều tiềm năng nhưng thực tế, phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như thiếu tính kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics đã làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp logistics trong nước đang bị hạn chế ngay trên chính sân chơi của chính mình khi chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp thích hợp để bắt kịp với xu hướng thế giới. Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong bối cảnh đó việc tăng cường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp ngành Logistics Việt Nam được coi là giải pháp cấp thiết có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

2. Khái quát chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Logistics

2.1. Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics là gì?

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ nhằm tối ưu hiệu quả sản xuất, cung ứng và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp logistics cần số hóa dữ liệu, sử dụng công nghệ AI, Big Data để phân tích dữ liệu, tạo ra các giá trị như nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận chuyển, giảm rủi ro và tăng doanh thu. Ví dụ:

- Doanh nghiệp ứng dụng phần mềm quản lý giao nhận (FMS), phần mềm quản lý đơn hàng, quản lý kho (OMS và WMS). Nhờ đó, quy trình vận hành dịch vụ logistic được tối ưu chi phí, tăng hiệu quả quản lý dữ liệu đơn hàng.

- Các cửa hàng truyền thống khác đã cải thiện logistics của họ bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đẩy nhanh thời gian giao hàng.

Cả hai trường hợp chuyển đổi số trong logistics đều chỉ ra tầm quan trọng và sự cần thiết của việc triển khai công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh và thương hiệu và dịch vụ.

2.2. Lợi ích của chuyển đổi số với các doanh nghiệp ngành logistics

a. Tự động hoá giúp tiết kiệm chi phí và thời gian

Tự động hóa hợp lý hóa chuyển động tổng thể của hàng hóa, đảm bảo rằng các mặt hàng có thể truy xuất nguồn gốc và đến đích đúng hạn, giảm thiểu các rủi ro tài chính khác. Các ứng dụng công nghệ được sử dụng nhằm tối ưu nguồn lực và chuẩn bị giải pháp dự phòng khi có sự cố gây chậm trễ quá trình vận chuyển. Ví dụ:

- Phần mềm xây dựng bản đồ trực tuyến giúp doanh nghiệp theo dõi tuyến đường hàng hóa được vận chuyển. Ứng dụng này phân tích các yếu tố tác động bên ngoài, tìm kiếm hành trình ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa, nhờ đó doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí cho nguyên liệu và rút ngắn thời gian giao hàng.

- Robot xếp hàng sẽ đảm bảo rằng tất cả hàng hóa đã được đóng gói và sẵn sàng vận chuyển. Nhờ đó, thời gian xếp dỡ hàng hóa được rút ngắn, tiết kiệm chi phí nhân công cho doanh nghiệp.

b. Tăng khả năng đảm bảo tiến độ đơn hàng

Các ứng dụng công nghệ giúp cho doanh nghiệp theo dõi thời gian vận chuyển thực tế của hàng hóa. Thông số, dữ liệu được hiển thị chi tiết từ đầu đến cuối, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lường trước được các rủi ro về tiến độ đơn hàng nếu có.

Ngoài ra, chuyển đổi số trong logistics còn hỗ trợ doanh nghiệp logistics tối ưu thời gian xếp dỡ hàng hóa, rút ngắn chặng đường vận chuyển. Theo đó, tiến độ đơn hàng cũng được tối ưu một cách tối đa.

c. Dễ dàng theo dõi tình trạng các lô hàng

Có rất nhiều cách để Internet of things cải thiện quản lý phân phối. Thẻ RFID và cảm biến GPS được kết nối giúp các nhà quản lý doanh nghiệp theo dõi quá trình vận chuyển đến giai đoạn cuối cùng.

Ngoài ra, nhờ các cảm biến được kết nối, các nhà quản lý logistics có thể nhận được dữ liệu vị trí theo thời gian thực để đảm bảo thời tiết hoặc những thay đổi môi trường khác sẽ không gây nguy hiểm cho việc giao hàng.

d. Tăng tính minh bạch trong hoạt động vận chuyển

Việc chuyển đổi số trong logistics giúp tăng cường tính minh bạch của quy trình giao hàng là mục tiêu chính mà các nhà quản lý doanh nghiệp muốn đạt được bằng cách tích hợp các giải pháp IoT cho logistics. Việc có thể theo dõi sản phẩm từ nhà kho đến cửa khách hàng làm tăng niềm tin của người quản lý rằng tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng đều được hoàn thành suôn sẻ.

Nó cũng nâng cao lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các đại lý hỗ trợ. Nguyên nhân vì khách hàng không còn yêu cầu cập nhật trạng thái giao hàng từ bộ phận hỗ trợ khách hàng.

e. Tối ưu hoá hoạt động nội bộ

Thông tin liên lạc giữa các bộ phận càng cởi mở và minh bạch, doanh nghiệp càng có khả năng giảm thiểu sai sót trong quản lý logistics. Điều này giúp tăng hiệu quả trong chuỗi cung ứng bằng cách:

- Đưa ra quyết định lựa chọn công nghệ đem lại hiệu quả cao cho chuyển đổi số trong logistics: Doanh nghiệp được đảm bảo nghiên cứu thông tin trung lập cũng như các nhà cung cấp cụ thể để ngăn chặn sự lựa chọn thiên vị.

- Đảm bảo các công nghệ hiện có của doanh nghiệp có thể được tích hợp với các giải pháp mới hơn: Cho phép chia sẻ dữ liệu tự động và giao tiếp giữa các bộ phận liên quan trong thời gian thực.

- Tư duy chiến lược: Với nhiều thời gian tiết kiệm hơn thông qua các quy trình tự động hóa. Nhân viên có thể tập trung vào chiến lược, khách hàng và tạo ra các giải pháp khi các sự kiện bất ngờ xảy ra.

(còn phần 2)

  Gửi ý kiến phản hồi
227