NHỮNG THÁCH THỨC VỀ GHI NHẬN VÀ CÔNG BỐ TÀI SẢN VÔ HÌNH TẠO RA TỪ NỘI BỘ TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH THEO CHUẨN MỰC KẾ TOÁN QUỐC TẾ SỐ 38

NHỮNG THÁCH THỨC VỀ GHI NHẬN VÀ CÔNG BỐ  TÀI SẢN VÔ HÌNH TẠO RA TỪ NỘI BỘ TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH  THEO CHUẨN MỰC KẾ TOÁN QUỐC TẾ SỐ 38

Ths. Lương Thị Giang - TS. Vũ Thị Huyền Trang

1. Giới thiệu

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ như hiện nay, báo cáo về tài sản vô hình, đặc biệt là tài sản vô hình được hình thành trong nội bộ đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Các nghiên cứu liên quan đặc biệt chú ý đến về việc liệu tài sản vô hình được tạo ra trong nội bộ có nên được ghi nhận là tài sản hay không, những tranh cãi này liên quan đến tính có thể xác định được, quyền pháp lý và điều kiện vốn hóa các chi phí hình thành nên tài sản vô hình.

2. Định nghĩa và điều kiện ghi nhận tài sản vô hình

Theo chuẩn mực kế toán quốc tế số 38 (IAS 38), tài sản vô hình là một tài sản phi tiền tệ có thể xác định được mà không có hình thái vật chất. Khái niệm tài sản vô hình nói trên đã tạo ra rào cản khi ghi nhận tài sản vô hình trên báo cáo tài chính so với các tiêu chuẩn ghi nhận tài sản theo Khung khái niệm. Các rào cản này đến từ thuật ngữ “tính có thể xác định được”. Theo khung khái niệm: tài sản là một nguồn lực mà đơn vị kiểm soát được từ những sự kiện trong quá khứ, và dự kiến mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên để một tài sản được ghi nhận là một tài sản vô hình trên báo cáo tài chính thì tài sản đó cần thỏa mãn điều kiện “có thể xác định được”. Một tài sản có thể xác định được nếu tài sản đó: có thể tách biệt, nghĩa là có thể được tách hoặc chia ra khỏi đơn vị và được bán, chuyển giao, nhượng quyền, cho thuê hoặc được trao đổi đơn lẻ hoặc cùng với một hợp đồng liên quan, một tài sản hoặc một khoản nợ phải trả xác định được bất kể đơn vị có dự định đó hay không; hoặc phát sinh từ các quyền lợi theo hợp đồng hoặc quyền lợi hợp pháp khác bất kể những quyền lợi này có thể chuyển giao hoặc tách ra khỏi đơn vị hoặc khỏi các quyền và nghĩa vụ khác hay không. Nếu Khung khái niệm có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về tài sản thì không cần thiết các chuẩn mực kế toán cụ thể phải mở rộng thêm khái niệm về tài sản, đặc biệt là tài sản vô hình.

3. Các yêu cầu hiện tại đối với tài sản vô hình tạo ra từ nội bộ theo IAS 38

IAS 38 quy định việc ghi nhận đối với các tài sản vô hình mua riêng, tài sản vô hình mua trong giao dịch hợp nhất kinh doanh, tài sản vô hình được nhà nước cấp, trao đổi tài sản và tài sản vô hình được hình thành từ nội bộ. Tuy nhiên, so với các loại tài sản khác, IAS 38 quy định khá chặt chẽ về việc ghi nhận tài sản vô hình thông qua phát sinh nội bộ.

Để đánh giá liệu một dự án được tạo ra từ nội bộ đơn vị có đáp ứng được tiêu chuẩn ghi nhận tài sản vô hình hay không, đơn vị phải phân chia quá trình hình thành tài sản theo 2 giai đoạn: giai đoạn nghiên cứu và giai đoạn triển khai. Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) áp dụng khả năng tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai để phân biệt giữa giai đoạn nghiên cứu và giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn nghiên cứu của một dự án nội bộ, đơn vị không thể chứng minh được sự tồn tại của một tài sản vô hình có khả năng mang lại các lợi ích kinh tế tương lai. Do vậy, toàn bộ chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu này được ghi nhận là chi phí trong kỳ.

Một tài sản vô hình tạo ra trong giai đoạn triển khai (hoặc trong giai đoạn triển khai của một dự án nội bộ của đơn vị) được ghi nhận là tài sản vô hình khi và chỉ khi thỏa mãn được tất cả các điều kiện sau:

(1) Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;

(2) Đơn vị dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;

(3) Đơn vị có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;

(4) Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai. Ít nhất, đơn vị có thể chứng minh được sự tồn tại của một thị trường cho các sản phẩm được tạo ra từ tài sản vô hình hoặc thị trường cho chính tài sản vô hình đó, hoặc chứng minh được sự hữu ích của tài sản vô hình trong trường hợp tài sản đó được sử dụng nội bộ;

(5) Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;

(6) Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó.

Hiện tại, IAS 38 quy định rằng tất cả tài sản vô hình phải được đo lường ban đầu theo giá gốc. Nguyên giá tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ đơn vị là toàn bộ chi phí phát sinh từ thời điểm mà tài sản vô hình ban đầu đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận tài sản vô hình. Nguyên giá tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ đơn vị bao gồm tất cả các chi phí liên quan trực tiếp đến việc thiết kế, xây dựng, và chuẩn bị cho tài sản có khả năng hoạt động theo cách mà nhà quản lý dự tính.Ví dụ về các chi phí liên quan trực tiếp như: chi phí nguyên liệu, vật liệu hoặc dịch vụ đã sử dụng trong việc tạo ra tài sản vô hình; tiền chi cho các lợi ích của người lao động (như định nghĩa trong chuẩn mực kế toán quốc tế số 19 – IAS 19) để tạo ra tài sản đó; chi phí đăng ký quyền pháp lý; và  chi phí khấu hao bằng phát minh sáng chế và giấy phép được sử dụng để tạo ra tài sản đó. Các chi phí sau đây không được tính vào nguyên giá tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ đơn vị: chi phí bán hàng, chi phí quản lý đơn vị và chí phí sản xuất chung, trừ khi các chi phí này có liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị tài sản để sử dụng; các chi phí không hiệu quả và các tổn thất hoạt động ban đầu phát sinh trước khi tài sản đạt được hiệu suất hoạt động theo kế hoạch; và chi phí đào tạo nhân viên để vận hành tài sản.

Sau khi ghi nhận ban đầu, đơn vị có thể lựa chọn chính sách kế toán theo phương pháp giá gốc hoặc theo phương pháp đánh giá lại. Đối với phương pháp giá gốc, sau khi ghi nhận ban đầu, tài sản vô hình được theo dõi theo giá trị còn lại bằng nguyên giá trừ đi khấu hao lũy kế và trừ đi phần lỗ lũy kế do suy giảm giá trị tài sản nếu có. Đối với phương pháp đánh giá lại, sau khi ghi nhận ban đầu, tài sản vô hình sẽ được theo dõi theo giá đánh giá lại bằng giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại trừ đi giá trị khấu hao lũy kế kể từ thời điểm đánh giá lại và lỗ lũy kế do suy giảm giá trị tài sản phát sinh từ sau thời điểm đánh giá lại nếu có.

4. Các vấn đề phát sinh khi ghi nhận tài sản vô hình tạo ra từ nội bộ

Theo đoạn 63 trong IAS 38, các nhãn hiệu hàng hóa, tiêu đề, ấn phẩm, danh sách khách hàng và các khoản mục khác tương tự về bản chất được hình thành trong nội bộ đơn vị không được ghi nhận là tài sản vô hình.

Ủng hộ với quy định trên của IAS 38, nhiều ý kiến cho rằng nhiều tài sản vô hình, đặc biệt là những tài sản vô hình được tạo trong nội bộ không được ghi nhận trên báo cáo tài chính là do không thể tách riêng được các chi phí này với chi phí của toàn bộ đơn vị hoặc khó xác định được thước đo giá trị hợp lý cho chúng. Wyatt (2008) minh họa rằng giá trị của một số tài sản vô hình không thể đo lường một cách đáng tin cậy, bao gồm R&D, lợi thế thương mại, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng. Theo Lev (2019) nguyên giá của nhiều tài sản vô hình không dễ đo lường do tính chất “chìm” và thuộc tính “lan tỏa” của chúng. Lin và Tang (2015) cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc ghi nhận nguồn nhân lực và các tài sản vô hình khác.

Jones (2007) lập luận rằng một số tài sản vô hình, chẳng hạn như bằng sáng chế và nhãn hiệu thương mại, được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một công ty và có thể được chuyển nhượng cho các bên khác. Tuy nhiên, liệu một số tài sản vô hình khác được tạo ra trong nội bộ (ví dụ: dữ liệu lớn về khách hàng) có được kiểm soát bởi các công ty về mặt pháp lý hay không vẫn là một câu hỏi mở. Bản chất của các tài sản vô hình được tạo ra từ bên trong doanh nghiệp khiến việc phân tách và giao dịch chúng trên thị trường trở nên khó khăn và do đó, rất khó xác định được một cách đáng tin cậy.

Phản bác lại những lập luận trên, một số nhà nghiên cứu đã cung cấp được bằng chứng rằng các khoản mục này đáp ứng được định nghĩa của tài sản vô hình. Họ cho rằng những khoản mục nêu trên có thể đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai và cải thiện tình hình tài chính của đơn vị. Ví dụ, việc đổi mới công nghệ sẽ thúc đẩy tăng năng suất của doanh nghiệp; việc xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực cũng có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, nâng cao hiệu quả tài chính, đơn cử nhiều tập đoàn lớn như Vinamilk, Masan,… hàng năm chi trả hàng nghìn tỷ để đầu tư xây dựng thương hiệu, tuy nhiên những khoản chi phí này được ghi nhận dưới dạng chi phí một lần và biến mất thay vì được vốn hóa vào tài sản vô hình của doanh nghiệp; danh sách khách hàng hay sự hài lòng của khách hàng cũng có thể thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng. Trong nghiên cứu của Barth và cộng sự (1998)Krasnikov và cộng sự (2009) đã chứng minh được “thương hiệu” là một khoản mục có thể đo lường một cách đáng tin cậy.

Bên cạnh đó IAS 38 hiện hành cũng nghiêm cấm vốn hóa chi phí R&D trong giai đoạn nghiên cứu và chỉ cho phép vốn hóa chi phí phát triển khi đáp ứng các tiêu chí nhất định.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc vốn hóa các chi phí liên quan đến R&D hiện nay rất nghiêm ngặt, theo Lev (2018, 2019), Barker và Penman (2020), IAS 38 hiện tại dẫn đến sự chênh lệch đáng kể giữa doanh thu liên quan đến R&D và chi phí liên quan đến R&D. Do đó, mức độ phù hợp và tính hữu ích của thông tin kế toán đang giảm dần theo thời gian, đặc biệt là ở các công ty công nghệ cao (Lev và Gu, 2016; Xie và Zhang, 2022). Chẳng hạn như những khoản lương trả cho nhân sự trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng chỉ được ghi nhận vào chi phí mà không được vốn hóa vào tài sản.

5. Ảnh hưởng của việc không ghi nhận tài sản vô hình tạo ra từ nội bộ trên bảng cân đối kế toán

Có nhiều quan điểm đưa ra về việc tiêu chí vốn hóa các tài sản vô hình hình thành từ nội bộ quá nghiêm ngặt, các khoản chi phí đầu tư vào R&D, thương hiệu, danh sách khách hàng,… không được ghi nhận vào tài sản vô hình trên bảng cân đối kế toán mà ghi trực tiếp vào chi phí, điều này gây ra một số ảnh hưởng:

Thứ nhất, gây ra tình trạng thông tin bất cân xứng giữa đối tượng sử dụng thông tin bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Theo Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Hải Hà (2020), IAS 38 cho phép ghi nhận TSVH mua ngoài trong khi tài sản được hình thành từ nội bộ doanh nghiệp thì không được phép ghi nhận. Sự khác biệt trong việc ghi nhận này không hợp lý bởi vì nó tạo ra tình trạng bất cân xứng thông tin và có thể gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những hậu quả là làm giảm tính thông tin của báo cáo tài chính, những đối tượng bên trong có hiểu biết tốt hơn đối tượng bên ngoài về những khoản mục tạo ra từ nội bộ, điều này không công bằng tới lợi ích của các đối tượng bên ngoài.

Thứ hai, đối với các công ty công nghệ cao giai đoạn đầu, chi tiêu R&D liên tục là điều kiện tiên quyết để đạt được những đột phá về công nghệ. Tuy nhiên, nếu các tiêu chí vốn hóa quá nghiêm ngặt
để đáp ứng, đầu tư vào R&D sẽ trực tiếp làm giảm thu nhập ròng trong kỳ, khiến các công ty không khuyến khích tham gia vào các hoạt động R&D. Graham và cộng sự (2005) đã cung cấp bằng chứng khảo sát rằng để đạt được thu nhập mục tiêu, CFO có thể cắt giảm chi phí tùy ý, bao gồm cả đầu tư R&D. Điều này dẫn đến việc thiếu đầu tư cho R&D có thể gây ảnh hướng đến năng suất và khả năng cạnh tranh của một quốc gia nói chung và một công ty nói riêng. Đồng quan điểm, Baber và cộng sự (1991), Dechow và Sloan (1991), Bushee (1998), Cheng (2004) cũng cho rằng vì ban quản trị có thể vì lợi nhuận mục tiêu mà cắt giảm chi tiêu cho R&D để tăng hiệu quả tài chính ngắn hạn.

Thứ ba, theo Xie và Zhang (2022) việc phi vốn hóa đầu tư R&D đã dẫn đến khoảng cách lớn giữa tài sản ròng và vốn hóa thị trường của các công ty trong nền kinh tế mới. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến tính hữu ích của thông tin trên báo cáo tài chính. Để minh họa cho nhận định trên, nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu của top 10 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thể giới.

Nguồn: https://companiesmarketcap.com/

Từ biểu đồ trên cho thấy hiện đang có khoảng cách rất lớn giữa vốn hóa thị trường và tài sản ròng của các công ty. Mặc dù, sự chênh lệch này phát sinh từ nhiều yếu tố, tuy nhiên việc không ghi nhận tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ cũng là một yếu tố quan trọng cần được xem xét, đặc biệt là những công ty hàng đầu về công nghệ với chi phí cho R&D hàng năm lên đến hàng nghìn tỷ đô như Apple, Microsoft, Alphabet,…

Thứ tư, theo Shefei Ma và Weiguo Zhang (2022), sự khác biệt trong cách xử lý các tài sản vô hình hình thành từ nội bộ và các tài sản vô hình do hợp nhất kinh doanh đã khiến bảng cân đối kế toán của các công ty phát triển tự nhiên trông khác với bảng cân đối kế toán của các công ty phát triển nhờ mua lại, khiến việc so sánh giữa các thực thể trở nên khó khăn và khiến các nhà đầu tư sử dụng các báo cáo phi tài chính thông tin để ra quyết định phân bổ vốn.

6. Đề xuất hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản vô hình tạo ra từ nội bộ

Dựa trên những nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học, nhóm tác giả tổng hợp một số đề xuất giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản vô hình được hình thành từ nội bộ.

Thứ nhất, nới lỏng định nghĩa và tiêu chí ghi nhận đối với tài sản vô hình, ghi nhận nhiều tài sản vô hình được tạo ra trong nội bộ hơn hoặc ở giai đoạn sớm hơn. Điều này sẽ nâng cao đáng kể khả năng so sánh của thông tin tài chính liên quan đến tài sản vô hình bất kể tài sản đến từ việc mua tài sản, hợp nhất kinh doanh, góp vốn của cổ đông hay phát sinh nội bộ.

Căn cứ của đề xuất này, nhóm tác giả nghiên cứu các đề xuất của các tác giả trước đó, cụ thể: theo đề xuất của Huang (2020), gợi ý rằng các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển nên được vốn hóa dưới dạng tài sản vô hình trừ khi có bằng chứng rõ ràng là chúng không có khả năng tạo ra bất kỳ lợi ích kinh tế nào cho đơn vị. Ông cũng đồng ý về việc loại bỏ các yêu cầu phân biệt giữa giai đoạn nghiên cứu và giai đoạn phát triển bởi vì, theo quan điểm của ông, không có sự khác biệt cơ bản. Tương tự, Barker và Penman (2020), tài sản sẽ được ghi nhận miễn là có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể. Họ cho rằng khi một dự án vượt qua ngưỡng không chắc chắn, tất cả các chi phí tiếp theo nên được vốn hóa và các chi phí của giai đoạn trước nên được hoàn nhập và ghi nhận là tài sản vô hình. Cùng chung ý tưởng, Lev (2018, 2019) đề xuất nới lỏng các tiêu chí vốn hóa các khoản nghiên cứu và phát triển để phù hợp với chi phí và doanh thu trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Ông lập luận rằng kiểm tra tính khả thi không phải là điều kiện cần thiết để vốn hóa tài sản vô hình.

Thứ hai, đo lường tài sản vô hình được tạo ra trong nội bộ trên cơ sở giá trị hợp lý, cách tiếp cận này sẽ giúp tăng mức độ phù hợp của thông tin kế toán bằng cách nắm bắt kỳ vọng về dòng tiền trong tương lai do tài sản vô hình tạo ra. Nó cũng giúp xử lý nhất quán các tài sản vô hình được tạo ra trong nội bộ so với những tài sản có được trong quá trình hợp nhất kinh doanh, do đó cải thiện khả năng so sánh của thông tin tài chính. Đây là một trong những đề xuất được đề cập trong tài liệu của Hội đồng tiêu chuẩn kế toán Úc (AASB), được ban hành vào năm 2008 với tiêu đề “Kế toán ban đầu đối với tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ”.

Ủng hộ với đề xuất của AASB, Wang (2022a, b) cho rằng, nếu đo lường theo mô hình giá gốc, nhiều tài sản vô hình được hình thành từ nội bộ không thể trình bày một cách trung thực trong báo cáo tài chính, do đó ông đồng ý rằng tài sản vô hình nên được đo lường theo giá trị hợp lý.

Tuy nhiên, cũng tồn tại những ý kiến không ủng hộ việc đo lường tài sản vô hình theo giá trị hợp lý, bởi vì bản chất của tài sản vô hình không có hoặc có rất ít thị trường hoạt động, nếu đơn vị áp dụng đo lường theo giá trị hợp lý, những thông tin đưa ra sẽ chứa đựng mức độ chủ quan và mức độ chắc chắn không cao, điều này sẽ dấy lên lo ngại việc liệu thông tin có được phản ánh một cách trung thực hay không. Xie và Zhang (2022) xác định nhiều vấn đề hóc búa có thể phát sinh nếu đơn vị đo lường tài sản vô hình được tạo ra trong nội bộ theo giá trị hợp lý, chẳng hạn như khả năng có thể xác định được, khả năng tách biệt, nguồn và độ tin cậy của các thước đo giá trị hợp lý và đơn vị sẽ sử dụng tài khoản kế toán nào để phản ánh những thay đổi khi áp dụng giá trị hợp lý. Tương tự, FRC (2019) lập luận rằng, khi đo lường theo giá trị hợp lý, mức độ không đảm bảo sẽ gây lo ngại về tính trung thực khi cung cấp thông tin.

Thứ ba, tăng cường báo cáo về các dự án R&D trên thuyết minh báo cáo tài chính hoặc trong các tài liệu công khai khác của công ty. Ủng hộ quan điểm này, Mazzi và cộng sự (2019) nhận thấy rằng, việc trình bày thông tin về R&D trên báo cáo thuyết minh hàng năm là một yêu cầu tối thiểu. Họ đề xuất rằng nếu IAS 38 tiếp tục không bắt buộc phải công bố thông tin, thì các yêu cầu nâng cao về công bố thông tin về rủi ro thất bại R&D, tiềm ẩn và triển vọng của các dự án R&D tại đơn vị nên được đưa ra. Đồng quan điểm, PricewaterhouseCoopers LLP (2019) và ICAEW (2019) kiến nghị rằng những nhà xây dựng chuẩn mực nên tập trung vào việc tìm cách cải thiện báo cáo thuyết minh và công bố thông tin về tài sản vô hình thay vì xem xét lại các yêu cầu kế toán hiện có.

7. Kết luận

Thế giới đang chuyển nhanh sang một kỷ nguyên được thúc đẩy bởi các nền kinh tế mới và các khoản đầu tư khổng lồ vào tài sản vô hình. Theo IAS 38, những khoản đầu tư giai đoạn nghiên cứu, chi phí đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng tệp khách hàng hoặc các khoản mục tương tự không nên được vốn hóa. Việc không vốn hóa các chi phí này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ giá trị không được công nhận trên giá trị vốn hóa thị trường cao, đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thua lỗ liên tiếp, thậm chí âm tài sản ròng trong giai đoạn đầu phát triển của các công ty này, cho dù thị trường có thể đánh giá cao chúng. Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến một cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu có cần phải sửa đổi mạnh mẽ các chuẩn mực kế toán liên quan để ghi nhận tài sản vô hình được tạo ra trong nội bộ hay không.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã trình bày định nghĩa và những điều kiện đối với tài sản vô hình theo chuẩn mực kế toán quốc tế, đồng thời nhóm tác giả cũng đã tổng hợp được những vấn đề khi ghi nhận tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ và những đề xuất để hoàn thiện thông tin tài sản vô hình.

Tài liệu tham khảo

Bộ Tài chính (2021), Quyết định Công bố bản dịch chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế phiên bản năm 2019 ra tiếng Việt, từ [https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM203439]

Baber, W.R., Fairfield, P.M., Haggard, J.A., 1991. The effect of concern about reported income on discretionary spending decisions: The case of research and development. Account. Rev. 66 (4), 818–829.

Barker, R., Penman, S.H., 2020. Moving the conceptual framework forward: Accounting for uncertainty. Contemp. Account. Res. 37 (1), 322–357.

Bushee, B.J., 1998. The influence of institutional investors on myopic R&D investment behavior. Account. Rev. 73 (3), 305–333.

Cheng, S., 2004. R&D investments and CEO compensation. Account. Rev. 79 (2), 305–328.

Dechow, P.M., Sloan, R.G., 1991. Executive incentives and the horizon problem: An empirical investigation. J. Account. Econ. 14 (1), 51–89.

Graham, J.R., Harvey, C.R., Rajgopal, S., 2005. The economic implications of corporate financial reporting. J. Account. Econ. 40 (1–3), 3–73

Huang, S.Z., 2020. True reflection or false reflection—Based on the financial analysis of top 10 new economy enterprises in China and the U.S.: From 2010 to 2019 (in Chinese). Finance and Accounting Monthly 21, 3–8.

Jones, D. A. (2007), 'Voluntary Disclosure in R&D Intensive Industries', Contemporary Accounting Research, Vol. 24, No. 2, pp. 489–522.

Lev, B., 2018. The deteriorating usefulness of financial report information and how to reverse it. Account. Bus. Res. 48 (5), 465–493.

Lev, B., 2019. Ending the accounting-for-intangibles status quo. European Accounting Review 28 (4), 713–736.

Lev, B., Gu, F., 2016. The End of Accounting and the Path forward for Investors and Managers. John Wiley & Sons, New Jersey.

Lin, H. and L. Tang (2015), 'Suggestions on Recognition and Measurement of Intangible Assets', Cooperative Economics & Science, No. 13, pp. 146–7 (in Chinese).

Mazzi, F., Slack, R., Tsalavoutas, I., Tsoligkas, F., 2019. The capitalization debate: R&D investment, disclosure content and quantity, and stakeholder views. The Association of Chartered Certified Accountants, London.

Nguyễn Thanh Hiếu, Nguyễn Thị Lan Anh (2012), Kế toán tài sản cố định vô hình trong các doanh nghiệp ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số đặc biệt, 12/2012.

Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Hải Hà (2020), Giáo trình những vấn đề kế toán đương đại, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

PricewaterhouseCoopers LLP, 2019. Discussion Paper—Business Reporting of Intangibles: Realistic Proposals.

Shefei Ma, Weiguo Zhang (2022), How to improve IFRS for intangible assets? A milestone approach, China Journal of Accounting Research 16 (2023) 100289

Xie, X.J., Zhang, W.G., 2022. Should more internally generated assets be recognized? A commentary. Abacus, forthcoming.

Wyatt, A., 2008. What financial and non-financial information on intangibles is value-relevant? A review of the evidence. Account. Bus. Res. 38 (3), 217–256.