ĐÀO TẠO CỬ NHÂN TRỰC TUYẾN NGÀNH KẾ TOÁN Ở VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

1. Một số vấn đề cơ bản về đào tạo trực tuyến và cách mạng công nghiệp lần thứ tư

1.1 Đào tạo trực tuyến

Đào tạo trực tuyến (E-learning, Electronic Learning) xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 10-1999 trong một hội nghị Quốc tế về CBT (Computer - Based Training). Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về đào tạo trực tuyến. Hiểu theo nghĩa tổng quát, đào tạo trực tuyến là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ thông tin. Theo một cách hiểu khác, đào tạo trực tuyến là một kiểu dạy học trong đó người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như: e-mail, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo video… ; các nội dung học tập có thể được phân phát qua các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng Internet, Intranet, các website… hoặc có thể thu được từ đĩa CD, băng video, audio… Có hai hình thức giao tiếp giữa người dạy và người học là giao tiếp đồng bộ (Synchronous) và giao tiếp không đồng bộ (Asynchronous). Giao tiếp đồng bộ là hình thức giao tiếp trong đó tại cùng một thời điểm có nhiều người truy cập mạng và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau: thảo luận trực tuyến, hội thảo video, nghe đài hoặc xem tivi phát sóng trực tiếp… Giao tiếp không đồng bộ là hình thức mà những người giao tiếp không nhất thiết phải truy cập mạng tại cùng một thời điểm; ví dụ như: các khóa tự học qua Internet, CD-ROM, e-mail, diễn đàn. Đặc trưng của kiểu học này là giảng viên phải chuẩn bị tài liệu trước khi khóa học diễn ra; học viên được tự do chọn lựa thời gian tham gia khóa học. Có thể kể ra 5 loại hình đào tạo trực tuyến được áp dụng tương đối phổ biến qua các thời kỳ như sau:

1) Đào tạo dựa trên công nghệ (TBT -Technology-Based Training) là hình thức đào tạo có sự áp dụng công nghệ, đặc biệt là dựa trên công nghệ thông tin.

2) Đào tạo dựa trên máy tính không nối mạng (CBT - Computer-Based Training) là hình thức đào tạo sử dụng các ứng dụng (phần mềm) đào tạo trên các đĩa CD-ROM hoặc cài trên các máy tính độc lập, không nối mạng, không có giao tiếp với thế giới bên ngoài. Thuật ngữ này được hiểu đồng nhất với thuật ngữ CD-ROM Based Training.

3) Đào tạo dựa trên web (WBT - WebBased Training) là hình thức đào tạo sử dụng công nghệ web. Nội dung học, các thông tin về người học và quản lí khóa học được lưu trữ trên máy chủ và người dùng có thể dễ dàng truy nhập thông qua trình duyệt web. Người học có thể giao tiếp với nhau và với giáo viên, sử dụng các chức năng trao đổi trực tiếp, diễn đàn, e-mail... và có thể nghe được giọng nói và nhìn thấy hình ảnh của người giao tiếp với mình.

4) Đào tạo trực tuyến (Online Learning/Training) là hình thức đào tạo có sử dụng kết nối mạng để thực hiện việc học: lấy tài liệu học, xem chương trình, giao tiếp giữa người học với nhau và với giáo viên...

5) Đào tạo từ xa (Distance Learning) là hình thức đào tạo trong đó người dạy và người học không ở cùng một chỗ, thậm chí không cùng một thời điểm. Ví dụ như việc đào tạo sử dụng công nghệ hội thảo cầu truyền hình hoặc công nghệ web.

Tuy ra đời chưa lâu, nhưng đến nay dạy học trực tuyến đã là một loại hình học tập rất phổ biến trên toàn thế giới. Theo các báo cáo tại Diễn đàn hàng đầu châu Á về công nghệ giáo dục Edtech Asia Summit 2016, có thấy 61% trong 4.800 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ có sinh viên đăng ký học chương trình trực tuyến, 71% các nhà lãnh đạo giáo dục tại Mỹ tin rằng giáo dục trực tuyến có hiệu quả tương tự hoặc cao hơn so với các khóa học truyền thống. Dự kiến 50% trong tổng số hàng trăm triệu sinh viên đại học ở châu Á sẽ theo học các khóa trực tuyến trong 10 năm tới. Ngoài ra, Hàn Quốc có tới hơn 20 trường đại học hoàn toàn trực tuyến và các trường này đều đang phát triển rất tốt với hàng chục ngàn người theo học. Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã triển khai các trường đại học tương tự.

Đào tạo trực tuyến không những chỉ có tác dụng hỗ trợ cho học viên tự học, học viên đào tạo từ xa mà còn rất bổ ích cho việc học tập trên lớp theo loại hình đào tạo truyền thống. Theo Elliott Masie, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành học trực tuyến, đào tạo trực tuyến là “việc áp dụng công nghệ để tạo ra, cung cấp, chọn lựa, quản trị, hỗ trợ và mở rộng cách học truyền thống”. Việc phát triển của Internet, với khả năng giúp học viên tiếp cận liên tục các khóa đào tạo một cách hiệu quả và tiết kiệm, đã tạo nên một giai đoạn mới cho việc dạy và học đạt đến những tầm cao mới mà chưa có công nghệ nào có thể sánh được. Skillsoft, một nhà cung cấp giải pháp học trực tuyến hàng đầu của Mĩ, thì cho rằng Đào tạo trực tuyến có những đặc điểm ưu việt như khóa học có nội dung phù hợp và cập nhật, học viên có thể tiếp cận một cách thuận tiện nhiều khóa học và có thể nghiên cứu nội dung ở mọi nơi, việc tập hợp nội dung nhanh chóng, khả năng cung cấp thông tin cho học viên trên khắp thế giới bằng ngôn ngữ của họ và khả năng theo dõi, báo cáo và đánh giá kết quả việc học. Đào tạo trực tuyến có rất nhiều lợi ích đa dạng và phong phú khi xét ở các góc độ khác nhau: về phía người học, về phía cơ sở đào tạo, về xã hội... Sau đây là một số lợi ích cơ bản:

1) Đào tạo trực tuyến giúp người học vượt qua rào cản về không gian và thời gian. Với hình thức học này, người học có thể đăng kí và theo học bất cứ thời gian nào mình muốn. Học viên có thể học bất cứ lúc nào, tại bất kì nơi đâu… Tận dụng được nguồn giảng viên chất lượng cao từ nhiều nơi trên thế giới, nội dung truyền tải nhất quán, phù hợp với yêu cầu của người học.

2) Đào tạo trực tuyến giúp cho người học chủ động hơn.Người học dễ dàng tự định hướng và tự điều chỉnh việc học tập của bản thân. Việc đăng kí và chứng thực học viên đơn giản và thuận tiện. Người học có khả năng tự kiểm soát cao thông qua việc tự đặt cho mình tốc độ học phù hợp, bỏ qua những phần hướng dẫn đơn giản không cần thiết mà vẫn đáp ứng được tiến độ chung của khóa học. Học viên còn có thể học mọi lúc, mọi nơi, cho phép học viên có thể hoàn thành chương trình đào tạo một cách thuận tiện ngoài giờ làm việc hay ở nhà.

3) Đào tạo trực tuyến giúp cho người học rèn luyện và phát triển khả năng tự học. Trong suốt quá trình học trực tuyến, học viên phải tự xây dựng kế hoạch học tập, lựa chọn môn học, tài liệu cần thiết, tự thực hiện các yêu cầu của khóa học... nhờ thế mà khả năng tự học mỗi ngày một tốt hơn.

4) Đào tạo trực tuyến làm tăng lượng thông tin một cách rõ rệt, kiến thức thu được rất đa dạng và phong phú. Nhờ tính tương tác và hợp tác cao, dễ tiếp cận và thuận tiện, đào tạo trực tuyến tạo một môi trường giao tiếp thuận lợi giữa học viên với giáo viên, giữa học viên với nhau... Khi mọi người được trao đổi với giáo viên và bạn bè trong lớp, họ có thể tiếp thu nhiều thông tin hơn từ các nguồn khác nhau. Mặt khác, kết quả đào tạo cũng được tự động hóa và được thông báo nhanh chóng, chính xác, khách quan.

5) Rút ngắn thời gian đào tạo. Học viên tận dụng được mọi thời gian rảnh rỗi, giảm thiểu thời gian rời khỏi văn phòng hoặc gia đình. Cơ sở đào tạo cũng dễ dàng kiểm soát thời gian thực hiện khóa học.

6) Chi phí cho việc học tập được giảm thiểu. Chi phí cho người học, chi phí cho tổ chức và quản lí đào tạo. Nội dung khóa học có thể sử dụng lại được với các học viên khác nhau. Cắt giảm được chi phí in ấn, xuất bản và phân phối tài liệu, lương của giáo viên, chi phí thuê phòng học, chi phí đi lại, ăn ở cho học viên. Tiết kiệm được một khoản tiền lớn do giảm được chi phí đi lại.

7) Đào tạo trực tuyến là một mô hình dạy học có hiệu quả cao. Học trực tuyến giúp học viên và các cơ sở sử dụng học viên không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn dễ dàng lựa chọn được các khóa học phù hợp với nhu cầu của mình. Tỉ lệ học viên hoàn thành khóa học của loại hình đào tạo này cũng cao hơn so với đào tạo truyền thống. Đối với các cơ sở đào tạo, do dễ dàng tạo các khóa học từ các tài nguyên có trước nên có thể tiết kiệm chi phí trong xây dựng học liệu.  

1.2 Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Lịch sử loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN). Cuộc CMCN lần thứ nhất diễn ra vào khoảng năm 1784, sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá  sản xuất. Cuộc CMCN lần thứ nhất đã thay thế hệ thống kỹ thuật cũ có tính truyền thống của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỷ), chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp (lao động thủ công), sức nước, sức gió và sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá. Nó khiến lực lượng sản xuất được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, tạo nên tình thế phát triển vượt bậc của nền công nghiệp và nền kinh tế. Cuộc CMCN lần thứ hai từ khoảng năm 1870 đến khi Thế Chiến I nổ ra, sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép, và (đặc biệt) là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt. Cuộc CMCN lần thứ hai đã tạo nên những tiền đề mới và cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn nữa. Cuộc CMCN lần thứ ba xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990). Nếu các cuộc CMCN trước đây góp phần tiết kiệm lao động sống thì cuộc CMCN lần thứ ba đã tạo điều kiện tiết kiện các tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội, cho phép chi phí tương đối ít hơn các phương tiện sản xuất để tạo ra cùng một khối lượng hàng hoá tiêu dùng.

Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) cuộc cách mạng này đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, một phần Châu Á..  Theo Klaus Schwab, người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới, " CMCN lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học". Cũng theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của CMCN lần thứ tư là không có tiền lệ. Khi so sánh với các cuộc CMCN trước đây, CMCN lần thứ 4 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

CMCN lần thứ tư sẽ diễn ra trên ba lĩnh vực chính, gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN lần thứ tư tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Có 4 nguyên tắc thiết kế trong công nghiệp 4.0.Những nguyên tắc này hỗ trợ những công ty trong việc định dạng và thực hiện những viễn cảnh của công nghiệp  4.0

  • Khả năng tương tác: Khả năng giao tiếp và kết nối của những cỗ máy,thiết bị,máy cảm biến và con người kết nối và giao tiếp với nhau qua mạng lưới vạn vật kết nối internet hoặc mạng lưới vạn người kết nối internet.
  • Minh bạch thông tin: Khả năng của những hệ thống thông tin để tạo ra 1 phiên bản ảo của thế giới thực tế bằng việc làm giàu những mô hình nhà máy kỹ thuật số bằng dữ liệu cảm biến. Điều này yêu cầu sự tập hợp những dữ liệu cảm biến thô đến thông tin ngữ cảnh có giá trị cao hơn.
  • Công nghệ hỗ trợ: Đầu tiên khả năng của những hệ thống hỗ trợ con người bằng việc tập hợp và hình dung thông tin một cách bao quát cho việc tạo những quyết định được thông báo rõ ràng và giải quyết những vấn đề khẩn cấp qua những ghi chú ngắn gọn. Thứ nhì, khả năng của những hệ thống không gian mạng-vật lý để hỗ trợ con người thực hiện những nhiệm vụ cái mà không dễ chịu, tốn quá nhiều sức lực hoặc không an toàn đối với con người.

Giống như các cuộc cách mạng trước đó, CMCN lần thứ tư có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng này sẽ mang lại các lợi ích hết sức to lớn. Nó sẽ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí không đáng kể phục vụ người tiêu dùng. Khách hàng có thể gọi taxi, đặt vé máy bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc hay xem phim đều có thể được thực hiện từ xa. Internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn các ứng dụng đang làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn và năng suất hơn. Chỉ đơn giản với một thiết bị như một máy tính bảng, chúng ta có thể đọc sách, lướt web và thông tin liên lạc, sở hữu khả năng xử lý tương đương với 5.000 máy tính để bàn của 30 năm trước, với chi phí lưu trữ thông tin gần như bằng không (ngày nay lưu trữ 1GB có chi phí trung bình ít hơn 0,03 USD một năm, so với hơn 10.000 USD thời điểm cách đây 20 năm). Trong tương lai, sáng tạo công nghệ cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi diệu kỳ từ phía cung, với những lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, và các chi phí thương mại sẽ giảm, tất cả những điều đó sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc cách mạng này có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Những người hưởng lợi lớn nhất của sự đổi mới có xu hướng là các nhà cung cấp vốn trí tuệ và vật chất - những nhà sáng tạo, các cổ đông và nhà đầu tư - điều này giải thích chênh lệch tăng lên về sự giàu có giữa những người phụ thuộc vào vốn và với lao động. Do đó công nghệ là một trong những lý do chính giải thích tại sao thu nhập đã chững lại, hoặc thậm chí giảm, đối với phần lớn dân số ở các nước có thu nhập cao: nhu cầu lao động có tay nghề cao đã tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp đã giảm. Kết quả là một thị trường việc làm với nhu cầu cao ở hai đầu cao và thấp, nhưng trống rỗng ở khúc giữa. Điều này giúp giải thích tại sao rất nhiều người lao động đang thất vọng và sợ rằng thu nhập thực tế của họ và của con cái họ sẽ tiếp tục bị đình trệ hoặc bị cắt giảm. Nó cũng giúp giải thích tại sao tầng lớp trung lưu trên thế giới đang ngày càng phổ biến cảm giác bất mãn và bất công. Một nền kinh tế "người chiến thắng có tất cả" (winner-takes-all economy) chỉ mở ra sự tiếp cận hạn chế cho tầng lớp trung lưu là một công thức dẫn tới tình trạng bất ổn dân chủ và lớp trung lưu bị bỏ rơi. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ chóng mặt phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Những nhà sản xuất phải liên tục nâng cao hiệu quả, đáp ứng ngay lập tức đến sự thay đổi của thị trường, và đáp ứng nhu cầu cho tùy chỉnh sản phẩm hơn bao giờ hết. Các nhà máy trong tương lai phải linh hoạt hơn và thông minh hơn. Chìa khóa là chủ những thách thức này nằm trong tự động hóa.

Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, thất nghiệp. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng CMCN lần thứ tư không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp. Ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo.

2. Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới giáo dục đại học

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc CMCN lần thứ tư. Do đó, giáo dục đại học sẽ phải đổi mới để đào tào ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới. Một trong những đề xuất đáng chú ý là mô hình đại học 4.0 của giáo sư Gottfried Vossen (Đại học Munster, Đức). Đây là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Mô hình này cũng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên; tạo điều kiện cho hợp tác giữa giáo dục đại học và sản xuất công nghiệp; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương… Mô hình 4.0 giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân. Bên cạnh đó, mô hình 4.0 sẽ giúp thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình đại học. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Trường không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.

Mô hình đại học 4.0 gồm: Dạy học 4.0 - Nghiên cứu 4.0 - Quản lý 4.0. Trong đó: dạy học 4.0 gồm: có nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, có sự thay đổi phù hợp với đối tượng học, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn. Nghiên cứu 4.0 bao gồm: hình thức nghiên cứu mới (tốc độ, kết quả, quá trình đánh giá), hệ thống dữ liệu quy mô lớn hơn và đa đạng nguồn hơn. Quản lý 4.0 gồm: giảng dạy (hệ thống phần mềm thực hiện được nhiều mục đích hơn, những công cụ quản lý hiệu quả hơn, hệ thống thông tin lớn hơn), nghiên cứu khoa học (hệ thống thông tin nghiên cứu khoa học, quản lý dự án), quản lý cơ sở đào tạo, bộ phận hỗ trợ tài chính. Để xây dựng và triển khai mô hình giáo dục đại học 4.0 nêu trên, các trường cần phải liên tục suy nghĩ về phương pháp tiếp cận việc dạy học để tìm ra những điểm hạn chế và liên tục cải thiện, liên tục theo dõi, quan sát phản hồi, thái độ của sinh viên về việc học tập, nhưng không cần phải trả lời mọi phản hồi, phải thử nghiệm những công nghệ mới. Ngoài ra, các trường cũng cần có nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn cho sinh viên.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần chuyển đổi cách thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực. Cụ thể, cần áp dụng mô hình giáo dục mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ năm thứ ba phải tham gia các nhóm nghiên cứu. Đồng thời, các đề tài này phải gắn liền với giải quyết một vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội...

Đào tạo cử nhân trực tuyến có nhiều điểm tương thích với mô hình  đại học 4.0. Do đó, trong thời đại CMCN lần thứ tư, đào tạo cử nhân trực tuyến sẽ trở lên phổ biến hơn bao giờ hết. Mặc dù vậy, để đạt đươc mô hình đại học 4.0 thì còn rất nhiều việc cần làm.

3.Thực trạng đào tạo cử nhân trực tuyến ngành kế toán tại các trường đại học Việt Nam hiện nay - Nghiên cứu trường hợp Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica

Việt Nam hiện nay có khoảng 200 trường đại học và cao đẳng đào tạo kế toán. Trong đó chủ yếu là đào tạo theo mô hình truyền thống, số ít các trường đại học thực hiện đào tạo cử nhân trực tuyến và thường tổ chức đào tạo thông qua việc liên kết với các cơ sở đào tạo trực tuyến. Trong số các cơ sở đào tạo trực tuyến ở Việt Nam, có thể nói Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica hiện đang là một trong những đơn vị đi đầu đã xây dựng được hệ thống công nghệ đào tạo trực tuyến. Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica (Topica Edtech Group) là một doanh nghiệp công nghệ giáo dục đa quốc gia, cung cấp các giải pháp giáo dục trực tuyến bao gồm các chương trình cử nhân trực tuyến (Topica Uni), chương trình học tiếng Anh trực tuyến (Topica Native) và nền tảng công nghệ cho khóa học trực tuyến mở trên nhiều lĩnh vực (Edumall).

Topica đã liên kết cùng các trường đại học triển khai xây dựng bộ học liệu điện tử cho nhiều ngành, đã triển khai nhiều khóa đào tạo đại học ứng dụng đào tạo trực tuyến toàn phần với các khóa học có mức độ tương tác cao nhất hiện nay, cùng phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo trực tuyến trên lãnh thổ Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Mỗi khóa học sử dụng các công cụ hỗ trợ hình ảnh như video giảng dạy, đồ họa, biểu đồ, tài liệu trực tuyến và bài kiểm tra nhỏ ở cuối mỗi bài học. Người hướng dẫn và học viên có thể tương tác với nhau trong các diễn đàn thảo luận. Tất cả những tài liệu này có thể xem mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có thiết bị kết nối mạng. Năm 2008, Tổ hợp này đã tích hợp công nghệ 3D “Second Life”, tại đó học viên có thể đi lại và tương tác trong không gian ảo 3D trong chương trình cử nhân trực tuyến (Topica Uni). Topica hợp tác cung cấp nền tảng công nghệ cho trường đại học đào tạo cử nhân từ xa các chuyên ngành Quản trị kinh doanhKế toánTài chính và Ngân hàngCông nghệ thông tinLuật và Luật kinh tế. Bên cạnh các video giảng dạy chuyên môn, học viên có thêm kiến thức thực tế và kinh nghiệm qua chia sẻ của các doanh nhân thành đạt. Đến năm 2016, Tổ hợp giáo dục Topica là đối tác của 11 trường đại học tại Việt NamPhilippines và Mỹ. Tháng 4 năm 2016, tổ hợp giáo dục Topica đã kí thỏa thuận đối tác với Coursera. Theo đó, một trong những đối tác của Topica ở Việt Nam, đại học Vinh, sẽ công nhận tín chỉ từ 1800 khóa học online của Coursera.

Đặc biệt, chuyên ngành kế toán đào tạo dưới hình thức cử nhân trực tuyến đã thu hút được đông đảo các bạn sinh viên tham gia, rất đa dạng, từ sinh viên học văn bằng 2, liên thông cao đẳng hoặc trung cấp, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông… Theo thống kê, đã có hơn 30.000 lượt sinh viên cử nhân trực tuyến Việt Nam đã và đang học tại các 6 trường liên kết đào tạo cùng tổ hợp giáo dục Topica, bao gồm : Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện đại học Mở Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Trà Vinh, Đại học Vinh, Đại học Duy Tân, Phân viện đại học Mở Hà Nội tại Đà Nẵng. Quy trình tổ chức học cho sinh viên học chương trình cử nhân trực tuyến chuyên ngành kế toán được triển khai như sau :

1) Về các công cụ học tập. Hiện nay, quá trình học tập được triển khai trên hệ thống các công cụ hỗ trợ tương đối phù hợp, thuận tiện và tích hợp nhiều công cụ nhỏ, có thể điều chỉnh liên tục để phù hợp với nhu cầu sinh viên

  • Lớp học ảo LMS: Sinh viên sẽ học trên lớp học ảo, với đầy đủ các học liệu ( đề cương chi tiết môn học, bài giảng dạng văn bản, bài giảng dạng video, bài giảng dạng mp3 ). Lớp học ảo còn có phần để sinh viên luyện tập trắc nghiệm kiến thức môn học thông qua các câu hỏi được lấy từ ngân hàng câu hỏi.
  • Hệ thống hỏi đáp H2472 : sinh viên có thể đặt câu hỏi cho giảng viên và các bộ phận liên quan, xin giải đáp các thắc mắc về kiến thức môn học, các vấn đề vận hành liên quan 24/24 trong ngày, và sẽ được trả lời trước 72 giờ sau khi hỏi
  • Lớp học trực tuyến OnlineS : mỗi môn học, thường vào thời điểm cuối khóa học, chương trình sẽ tổ chức 1 buổi ôn tập online, để giảng viên tổng hợp và giải đáp những vấn đề liên quan tới quá trình học, ôn tập trước khi thi
  • Hệ thống trao đổi giảng viên TIM: mô hình liên kết của các trường đại học hiện nay và tổ hợp giáo dục Topica hiện nay có 2 bộ phận giảng viên. Bên cạnh giảng viên chuyên môn tới từ các trường đại học, giảng viên hướng dẫn là những chuyên gia, lãnh đạo có kinh nghiệp tới từ các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp để chia sẻ những kiến thức thực tế, kinh nghiệm làm việc cho sinh viên. Các giảng viên chuyên môn và giảng viên hướng dẫn của lớp học sẽ trao đổi các vấn đề liên quan tới lớp học thông qua hê thống TIM
  • Diễn đàn lớp học: diễn đàn là nơi trao đổi, thảo luận các tình huống mở, case study cho sinh viên học tập. Các thảo luận này sẽ có sự tham gia tư vấn, hỗ trợ của các thầy cô giảng viên chuyên mô n và hướng dẫn

2) Về vấn đề học liệu. Ngoài sách/giáo trình môn học in ấn theo hình thức học truyền thống, sinh viên học e-learning được cung cấp (miễn phí) trên hệ thống e-learning các học liệu hỗ trợ cho quá trình tự học sau đây:

  • Kế hoạch học tập lớp môn
  • Hướng dẫn học tập môn học (text)
  • Sách/giáo trình điện tử (e-book)
  • Bài giảng đa phương tiện (audio, video, slide)
  • Video ghi lại toàn bộ bài giảng trên lớp học trực tuyến (OnlineS).
  • Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến (phục vụ tự luyện tập, kiểm tra)
  • Các bài tập tình huống/chủ đề thảo luận mở trên Diễn đàn thảo luận môn học

Bộ học liệu cho đào tạo trực tuyến tiếp tục được bổ sung thêm các dạng học liệu mới, thường xuyên nâng cấp, cập nhật và phát triển học liệu theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn cho quá trình tự học của sinh viên. Ngoài ra còn có sách/giáo trình in ấn (không bắt buộc mua đối với sinh viên học trực tuyến). Tổ hợp giáo dục Topica và các trường đại học liên kết luôn xác định học liệu là yếu tố quan trọng để thực hiện đào tạo e-learning có hiệu quả, nhất là đối với ngành kế toán, cần tập trung vào các kỹ năng thực hành và . Để xây dựng được bộ học liệu điện tử có chất lượng, các bên liên quan chú trọng đến kiến thức chuyên môn, đồng thời kết hợp các tiêu chí kỹ thuật, thiết kế dàn dựng bài giảng công phu, cô đọng mang tính tương tác cao giúp cho người tự học dễ dàng tiếp thu kiến thức.

3) Về công tác giảng viên, giảng viên tham gia giảng dạy E-learning ngoài kiến thức chuyên môn và phương pháp dạy học tích cực, còn có kỹ năng giảng dạy từ xa, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong môi trường giảng dạy trực tuyến và ngoài ra còn phải thực hiện các qui định trong giảng dạy trực tuyến, như trả lời giải đáp đúng hạn các câu hỏi của sinh viên, tham gia buổi lên lớp trực tuyến theo lịch, tổ chức cho sinh viên làm bài tập nhóm, bài tập tình huống... Bên cạnh giảng viên chuyên môn tới từ các trường đại học , giảng viên hướng dẫn là những chuyên gia, lãnh đạo có kinh nghiệp tới từ các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp để chia sẻ những kiến thức thực tế, kinh nghiệm làm việc cho sinh viên.

4) Về công tác hỗ trợ học tập và quản lý sinh viên, Topica và các trường đại học liên kết coi trọng công tác hỗ trợ học tập cho người học. Với đặc thù người học ở phân tán nhiều nơi, chủ yếu học từ xa và qua mạng internet, người học luôn được hỗ trợ trong quá trình học tập:

- Hỗ trợ về phương pháp học trực tuyến, hướng dẫn và cung cấp các thông tin, thủ tục liên quan đến khóa học (thông qua đội ngũ cố vấn học tập);

- Hỗ trợ về kỹ thuật, đăng nhập hệ thống và chuẩn bị thiết bị học tập (thông qua đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật);

- Hỗ trợ phương pháp học tập môn học, nhắc nhở sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học (thông qua đội ngũ quản lý lớp môn).

Phương tiện thực hiện việc hỗ trợ học tập: qua mail, điện thoại, hệ thống hỗ trợ online H2472

5) Về quá trình tổ chức đào tạo. Sinh viên học tập chuyên ngành kế toán bằng hình thức trực tuyến sẽ trải qua 4 bước như sau:

- Tự nghiên cứu học liệu: nhiệm vụ học tập được chia theo từng tuần. Sinh viên tự học qua tài liệu trên mạng (bài giảng điện tử, video, audio) hoặc tự học offline với đĩa CD-ROM;

- Trao đổi giải đáp: Sinh viên trao đổi các thắc mắc với giảng viên, cố vấn học tập và thảo luận với nhau thông qua hệ thống Elearning hoặc tại các buổi học tập trung (offline); Lớp học có thể được chia ra nhiều nhóm nhỏ để hỗ trợ nhau trong việc học tập, nâng cao chất lượng đào tạo.Việc tương tác học viên – giảng viên chủ yếu thông qua các hình thức: Trao đổi thảo luận hỏi đáp cùng thời điểm qua lớp học ảo (OnlineS), nội dung buổi trao đổi được ghi lại và đăng tải trên lớp học. Trao đổi thảo luận đặt câu hỏi trên diễn đàn môn học (forum), và nhận được câu trả lời trong vòng 72 giờ. Trao đổi qua e-mail, chia sẻ thông tin trên mạng. Học trực tiếp face-to-face 1-2 buổi thảo luận, giải đáp thắc mắc (tùy theo môn học).

- Thực hành, luyện tập: Sau mỗi học phần có các bài tập trắc nghiệm luyện tập (quiz) và bài tập tình huống. Học viên làm bài để thực hành, luyện tập về môn học.

- Thi, kiểm tra đánh giá: Các trường đại học áp dụng mô hình đánh giá thường xuyên gồm đánh giá chuyên cần, kiểm tra giữa kỳ và thi hết học phần/môn học. Việc đánh giá chuyên cần và kiểm tra giữa kỳ căn cứ vào thời gian truy cập bài giảng, hoàn thành các bài luyện tập trên mạng, các bài tập do giảng viên yêu cầu, hoặc thông qua phỏng vấn trực tiếp, trình bày sản phẩm... Kết thúc mỗi môn học sinh viên phải làm bài tập trung tại địa điểm của các trường đại học liên kết.

4. Một số giải pháp đẩy mạnh đào tạo cử nhân trực tuyến ngành kế toán ở Việt Nam

Đào tạo trực tuyến ở Việt Nam nói chung, đào tạo cử nhân trực tuyến ngành kế toán nói riêng xuất hiện chưa lâu. Bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Đặc biệt, trong thời đại CMCN lần thứ tư, để ngày càng lớn mạnh và hướng tới mô hình đại học 4.0, các tác giả xin đề xuất một só giải pháp sau:

4.1 Không ngừng đổi mới công nghệ, học liệu, tiếp thu ý kiến người học 

CMCN lần thứ tư có tốc độ phtá triển khoa học rất nhanh nên đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn của đạo tạo trực tuyến. Bên cạnh đó, do đặc trưng của đào tạo trực tuyến là đòi hỏi tinh thần tự học rất cao của người học nên học liệu là một yếu tố rất quan trọng. Học liệu phải đáp ứng được các mục tiêu học tập đồng thời đáp ứng được các yếu tố lượng hóa đo lường tính tương tác của người học. Vì thế, cần có bộ tiêu chí đánh giá học liệu tương tác phục vụ cho việc xây dựng, đánh giá, vận hành cũng như kiểm định chương trình đào tạo. Có thể gồm các nội dung:

  • Tiêu chí kiến thức: học được kiến thức theo mục tiêu môn học
  • Tiêu chí kỹ năng: học được kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cá nhân.
  • Tiêu chí tương tác: số lượng người truy cập, số lượng người tham gia học tập, tham gia thảo luận,…
  • Tiêu chí dễ triển khai: dễ dàng triển khai ở các lớp khác nhau, với các người học, người dạy khác nhau.

Hơn nữa, chúng ta thấy được sản xuất học liệu là 1 hoạt động chuyên môn quan trọng trong giảng dạy, vì thế, với sự ra đời của các bộ môn, việc xây dựng học liệu nói chung và học liệu tương tác nói riêng phải gắn với bộ môn. Bộ môn có trách nhiệm nghiên cứu phát triển học liệu. Việc xây dựng và nghiệm thu học liệu cần có quy trình rõ ràng hơn, quy định thành phần tham gia nghiệm thu, đánh giá, phản biện,… trong đó gắn với trách nhiệm của bộ môn.

Ngoài ra, đối với môn số  môn học nặng về lý thuyết như nguyên lý kế toán, nguyên lý kiểm toán, với các khái niệm khá trừu tượng và khó hiểu đối với sinh viên, cần có những đổi mới phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học, nhất là trong điều kiện giảng dạy trực tuyến. Để khắc phục tình trạng này, cần xây dựng thêm thêm một số bài tập liên quan đến các tình huống thực tế và một số bài tập kỹ năng. Để tăng tính phong phú cho các dạng bài tập, đồng thời để sinh viên chủ động tiếp cận môn học, tác giả kiến nghị giữ nguyên 1 bài tập về nhà theo dạng bài trắc nghiệm, 1 bài tập nữa nên để ở dạng là bài tập kỹ năng. Dạng bài tập này, một mặt yêu cầu sinh viên phải có sự tìm hiểu thực tế để vận dụng giải quyết nội dung bài tập, một mặt tạo ra sự hứng thú cho sinh viên trong quá trình trao đổi, thảo luận và tìm ra tri thức mới. Các Case study cũng cần được làm mới, cập nhật với những thay đổi của chuẩn mực, chế độ kế toán, đồng thời tạo ra sự mới mẻ hơn cho sinh viên.

Bên cạnh đó, lấy ý kiến người học là một kênh thông tin rất quan trọng để đánh giá hiệu quả đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần thường xuyên thực hiện để ngày càng hoàn thiện hơn.

4.2. Nâng cao chất lượng giảng viên

Mối lớp học trực tuyến thường có sự tham gia của hai giảng viên: giảng viên chuyên môn và giảng viên hướng dẫn.

Về phía giảng viên chuyên môn. Đối với phương pháp giảng dạy E Learning, giao tiếp chủ yếu của giảng viên đối với sinh viên chủ yếu thông qua hệ thống diễn đàn. Do vậy, để thu hút sinh viên tham gia trao đổi, thảo luận trên diễn đàn, các chủ đề mà giảng viên đưa ra phải thật sự có tính hấp dẫn đối với sinh viên. Đối với nội dung lý thuyết của từng bài học, giảng viên chuyên môn có thể làm rõ các khái niệm trong bài thông qua các ví dụ cụ thể, sau đó tiến hành tổng kết nội dung bằng một sơ đồ tư duy. Với cách thức này, sinh viên sẽ dễ dàng hơn trong việc tổng hợp và nắm bắt các nội dung trong bài học. Ngoài ra các giảng viên còn có thể sử dụng các video clip trên mạng internet có nội dung liên quan đến bài học để đưa vào các chủ đề trên diễn đàn cho sinh viên nghiên cứu và tham khảo.

Về phía giảng viên hướng dẫn, Kế toán là một ngành học liên quan rất nhiều đến các tình huống trong thực tế. Đâ chính là lợi thế của hình thức đào tạo E – Learning khi có có sự tham gia của các giảng viên đến từ các tổ chức và doanh nghiệp có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm làm nghề. Chính vì vậy, để việc giảng dạy hiệu quả hơn, ngoài việc đăng các Case study cố định trong môn học, các giảng viên hướng dẫn đến từ các công ty kiểm toán hoặc đã từng làm trong linh vực kiểm toán cần có những bài viết chia sẻ với sinh viên các kỹ năng cần thiết của một kiểm toán viên, các điều kiện để trở thành 1 kiểm toán viên chuyên nghiệp hay các chia sẻ về các kinh nghiệm làm nghề hay các tình huống thực tế… Với cách tiếp cận này, giảng viên hướng dẫn mới đến được gần hơn, chia sẻ được nhiều hơn với sinh viên của mình.

4.4. Liên kết với 1 số tổ chức đào tạo trực tuyến của Việt Nam và thế giới

Hiện nay, một số trường đại học tổ chức đào tạo cử nhân trực tuyến, đã tiến hành liên kết rất tốt với các đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ, như tổ hợp giáo dục Topica. Xu hướng tới đây, các trường có thể tiếp tục liên kết với các tổ chức thế giới, để đa dạng hóa hình thức đào tạo trực tuyến, khai thác tốt và hiệu quả nguồn học liệu phong phú, đa dạng, mang tính cập nhật cao bằng tiếng Anh từ các đơn vị quốc tế. Một mô hình đang triển khai hiện nay tại đại học Vinh, là một gợi ý nghiên cứu khá tốt, khi đại học Vinh đã liên kết cùng công ty công nghệ giáo dục Coursera, công nhận các khóa học của họ như 1 môn học của chương trình đào tạo. Sinh viên sau khi hoàn thành khóa học đó, được trường đại học Vinh công nhận kết quả, và nhận chứng chỉ của Coursera.

Quá trình liên kết này, có thể triển khai dưới 2 phương án như sau, giả sử đối với môn học Kế toán tài chính :

Phương án 1 : Sử dụng học liệu coursera là nền tảng

  • Bổ sung phụ đề và bài giảng hỗ trợ bằng tiếng Anh và tiếng Việt
  • Quay các clip trợ giảng phân tích sự khác nhau giữa kế toán Mỹ và kế toán Việt Nam
  • Xây dựng case study dựa vào tài liệu coursera, ưu tiên những case study có nội dung tương đồng với kế toán Việt Nam
  • Thi và kiểm tra theo học liệu coursera

Phương án 2 : Sử dụng học liệu tự biên soạn là nền tảng

  •  Xây dựng đề cương mới, đảm bảo nguyên tắc :

+ Tổng hợp những kiến thức quan trọng nhất

+ Có những nội dung cốt lõi tương đồng với 2 lớp trên coursera

+ Cập nhật các văn bản kế toán mới nhất

+ Ứng dụng tốt trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp

  • Xây dựng bài giảng bản word, slide có hình thức đẹp và video bài giảng của giảng viên
  • Xây dựng case study dưới dạng video
  • Soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài tập nhóm, định hướng tăng cường thực hành và ứng dụng ( có thể lấy form từ bài tập kỹ năng )
  • Xây dựng phương án vận hành và nền tảng công nghệ phù hợp : lượng sinh viên và số lớp không nhiều, nền tảng công nghệ hiện nay đã tương đối tốt nên chỉ cần sát sao hơn tại diễn đàn và hệ thống câu hỏi, trả lời
  • Đưa học liệu coursera làm tài liệu tham khảo, soạn tài liệu dưới dạng video hay word, slide để hỗ trợ sinh viên học thêm, đảm bảo có thể thi được chứng chỉ.

4.5 Liên kết với doanh nghiệp

Theo xu hướng giáo dục hiện nay, đào tạo cử nhân trực tuyến ngành kế toán cũng cần chuyển từ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.

Liên kết với các doanh nghiệp sẽ giúp cho việc đạo tạo không bị “lý thuyết suông”. Người học  có được những trải nghiệm nghề nghiệp quý giá mà các trường đại học không có, nhờ đó không bị bỡ ngỡ khi đi làm sau tốt nghiệp. Các doanh nghiệp cũng không tốn nhiều chi phí đào tạo lại.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thông tin KH & CNH - HĐH Quốc gi (2017), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

2. Võ Đình Bảy, Hệ hỗ trợ đào tạo theo học chế tín chỉ cho các trường đại học và cao đẳng, Hội thảo khoa học “Đào tạo trực tuyến trong nhà trường Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, 2013

3. Trần Khánh (2007), Tổng quan về ứng dụng CNTT & TT trong giáo dục, Tạp chí giáo dục số 161 kỳ 2 tháng 4 năm 2007, trang 14, 15. 

4. Nguyễn Thị Lệ, Nghiên cứu về E-learning và đề xuất giải pháp triển khai E-learning trong đào tạo phổ thông,  LVThS, Học viện BCVT, 2012

5. Quách Tuấn Ngọc (2003), “Đổi mới giáo dục bằng CNTT & TT”, Hội thảo CNTT & TT trong giáo dục, Hà Nội ngày 28/02 - 01/03/2003.

6. Nguyễn Duy Phương, Dươ ng Trần Đức, Đào Quang Chiểu, Phạm Thị Huế, Nguyễn Thị  Ngọc Hân , “Bài giảng nhập môn Internet và E - learning, Chương trình đào tạo từ xa, Học viên Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông”, 2003.

7. Thornburg, David (2000), “Technology in K-12 Education: Envisioning a New Future”, 2002.

8. Harvey Singh (2003), Building effective blended learning program, Issue of Educational Technology, Volume 43, Number 6, Pages 51-55