CHỌN TRƯỜNG HAY CHỌN NGÀNH

Nhân mùa tuyển sinh xin chia sẻ một vài suy nghĩ theo quan điểm cá nhân về lựa chọn ngành học, trường học cho các bậc phụ huynh và các em học sinh lớp 12 tham khảo.

1. Học ngành nào?

Việc chọn ngành học thường được chọn theo một trong hai cách sau:

Cách 1. Phụ huynh dựa vào hiểu biết của mình hoặc thông qua bạn bè để lựa chọn ngành học cho con cái. Việc lựa chọn ngành học của họ cho con cái có thể đúng nếu có tầm nhìn và suy nghĩ trong sáng. Tuy nhiên, có những bậc phụ huynh lại nhìn vào góc tối của nghề hoặc bằng suy nghĩ ngắn hạn. Chẳng hạn chọn ngành này vì có nhiều bổng lộc; vừa có lương, vừa có lậu; trong thời gian học ở trường được nhà nước nuôi, ra trường được bố trí công tác, không phải xin việc (quân đội, công an). Cách chọn này có thể thành công nếu phù hợp với sở thích của bạn trẻ nhưng cũng có thể thất bại nếu không hợp sở thích của con cái. Những sv được bố mẹ chọn thường không có hứng thú trong học tập (học vì sức ép của gia đình). Thành công của họ sau này phần nhiều cũng phải nhờ vào quan hệ của bố mẹ.

Cách 2. Bố mẹ cho con cái tự quyết định ngành học. Theo cách này bạn trẻ sẽ được tự lựa chọn ngành học và chịu trách nhiệm về việc này. Cách này tích cực ở chỗ bạn trẻ được trao quyền và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Khi được trao quyền các bạn sẽ phải nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và đưa ra quyết định lựa chọn. Do tự mình lựa chọn nên khi vào học họ cũng có trách nhiệm hơn trong học tập. Điểm bất lợi của phương án này là nếu không có mục tiêu rõ ràng bạn trẻ có thể a dua theo bạn bè mà chọn sai ngành và vào được trường rồi cũng sẽ mất hứng thú học tập. Vậy thì làm thế nào để chọn đúng ngành học?

a. Việc chọn ngành học phụ thuộc vào:

(i) Sở thích của bản thân

(ii) Xu hướng phát triển của ngành học trong tương lai (đặc biệt là ảnh hưởng của công nghiệp 4.0. Sau vài năm nữa ngành đó sẽ phát triển thế nào?, còn tiếp tục tồn tại không hay bị công nghệ và ngành khác thay thế? v.v... Nhiều ngành hot năm nay và vài năm tới nhưng sau đó thì hết hot. Do vậy, cần có tầm nhìn dài hạn (30-40 năm) cho mỗi ngành.

b. Không nên chọn ngành học dựa vào:

(i) những góc tối của ngành nghề: tiêu cực, tham nhũng, vì nó không bền vững và đầy rủi ro.

(ii) Không vì lợi ích ngắn hạn (tiết kiệm được chi phí học tập vài năm nhưng phải gắn bó với ngành mình không thích cả đời. Không có tình yêu nghề nghiệp, không hứng thú thì không thể làm việc tốt và thành công được). Các bậc phụ huynh nên để cho con mình tự quyết định và đưa ra lời khuyên, phân tích ưu điểm, hạn chế trong lựa chọn của con và tư vấn để con suy nghĩ nghiêm túc về việc này. Chỉ nên can thiệp khi thấy rõ ngành được chọn không phù hợp với mục tiêu dài hạn của các cháu.

2. Chọn học trường nào? Bước tiếp theo sau khi chọn ngành thì phải chọn trường.

2.1. Chọn trường ở thành phố lớn (trung tâm) hay tỉnh nhỏ (ngoại ô)? Điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Học ở TP lớn thì đắt đỏ, nhưng có nhiều thày giỏi, dễ kiếm việc làm thêm, học thêm; ở ngoại ô hoặc tỉnh lẻ thì chi phí rẻ hơn nhưng ít thày giỏi, khó kiếm việc làm thêm, học thêm. Nếu chọn trường ở TP lớn mà không có khả năng thuê trọ thì cần ưu tiên chọn trường có nhiều chỗ trong KTX. Đối với SV thì ở KTX là tốt nhất, vừa rẻ, vừa vui, đỡ phải đi lại vất vả mà lại học được cách sống tự lập trong tập thể và an toàn, đặc biệt trong tình trạng giao thông hỗn loạn và thường xuyên tắc nghẽn như ở HN.

2.2. Làm sao để chọn được trường có chất lượng tốt? Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên, cụ thể là các GS/PGS đầu đàn. Họ là những người chịu trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT), thiết kế, lựa chọn nội dung và phương pháp đào tạo và có ảnh hưởng đến các giảng viên khác trong ngành học. Hãy vào website của ngành học để biết người đứng đầu là ai (học vấn, chức danh khoa học, quá trình đào tạo, hoặc khoa học, kinh nghiệm quản lý, đào tạo, tư tưởng, triết lý đào tạo, v.v...). Tiếp đến là đội ngũ giảng viên. Các tiêu chí đánh giá cũng tương tự như đối với người đứng đầu. Nếu có điều kiện nên tìm hiểu sâu về CTĐT: gồm những môn nào, sử dụng giáo trình trong nước hay nước ngoài, kiến thức có hiện đại, cập nhật không (mục này phải nhờ người có chuyên môn mới đánh giá được). Phần giáo dục đại cương của các trường đại học ở Việt Nam cơ bản như nhau nên không cần so sánh. Nên tập trung vào các học phần chuyên môn và tự chọn. Ngoài ra còn các tiêu chí khác như cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường văn hóa, v.v...

2.3. Học phí Đây cũng là vấn đề đau đầu của các bậc phụ huynh. Thường thì giá cả đi liền với chất lượng. Những trường tốt thì học phí đắt. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Trường đại học là tổ chức phi lợi nhuận nên những trường đại học tự chủ được phép thu học phí cao, những trường chưa tự chủ được ngân sách cấp kinh phí 1 phần vẫn thu học phí thấp. Không phải vì học phí thấp mà chất lượng đào tạo thấp. Chẳng qua do được ngân sách cấp 1 phần nên họ không được thu cao mà thôi. Các phụ huynh nên tận dụng lợi điểm này. Hiện vẫn có những trường chất lượng đào tạo tốt nhưng học phí thấp. Đến đây sau khi biết mức thu học phí 1 tín chỉ thì bạn nên đọc lại mục 2.2 để tìm hiểu và so sánh về chất lượng đào tạo. So sánh giữa các trường để đưa ra quyết định nên học trường nào. Khi so sánh sẽ gặp tình huống đạt được tiêu chí 2.1 thì không đạt được tiêu chí 2.2. Khi đó cần đặt ưu tiên tiêu chí nào quan trọng hơn để đưa ra quyết định (chất lượng đào tạo hay chi phí).

2.4. Thương hiệu của trường có quan trọng không? Điều gì tạo nên thương hiệu của một trường đại học? Tên trường? Chất lượng đào tạo, văn hóa tổ chức hay sự thành công của sinh viên? Nhiều thứ tạo nên thương hiệu của một sản phẩm. Chất lượng, thái độ phục vụ khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Đối với trường đại học cũng như vậy. Ở Việt Nam, nhiều công ty tuyển dụng người đưa vào tên trường để phân loại ban đầu và mặc định trường A là tốt, trường B là kém và dùng định kiến này để soi xét sinh viên trường B. Đây là một sai lầm trong tuyển dụng. Tên trường đại học, chỉ là cảm nhận ban đầu. Nếu làm cho công ty nước ngoài thì tên trường đại học Việt Nam chẳng có ý nghĩa gì. Họ chỉ quan tâm có làm được việc theo yêu cầu của họ hay không. Như vậy chất lượng đào tạo mới là quan trọng. Sự thành công của sinh viên phụ thuộc vào cá nhân mỗi người. Trường nào cũng có những sinh viên thành công và nhiều sinh viên không thành công. Sự thành công của mỗi người đến từ nhiều nguyên nhân. Do vậy, chỉ nên quan tâm xem trường đại học dạy con mình những gì? Có dạy con mình các kiến thức, kỹ năng và thái độ để trở thành một kỹ sư/cử nhân chuyên nghiệp, sống có đạo đức và trách nhiệm hay không. Nếu có được điều này cùng với xác định được mục tiêu dài hạn đúng đắn và kiên trì để đạt được mục tiêu thì chắc chắn con bạn sẽ thành công (trên khía cạnh đạt được mục tiêu). Chúc các bạn sáng suốt trong lựa chọn ngành học và trường học cho bản thân mình hoặc cho người thân của mình.

PGS. TS. Nghiêm Văn Lợi,

Trưởng Bộ môn Kế toán, trường đại học Thủy Lợi