ChatGPT có bị cấm trong các trường đại học không?

Hiện nay việc sử dụng chat GPT tại các trường đại học trên thế giới đang có nhiều cuộc tranh cãi nổ ra. Vậy quan điểm của các trường đại học ở Việt Nam về việc sử dụng chat GPT như thế nào?

ChatGPT là gì?

ChatGPT là một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển bởi OpenAI và được hỗ trợ vận hành bởi Microsoft – đối tác đã quyên góp 1 tỷ USD cho OpenAI.  Nó là phiên bản của mô hình ngôn ngữ GPT-3 (Generative Pre-trained Transformer 3) và được ra mắt vào tháng 11 năm 2022. Đây là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nơi mà mô hình AI có khả năng tạo ra văn bản tự động và phản hồi thông qua các cuộc trò chuyện. ChatGPT có khả năng tạo văn bản giống với con người chỉ với những từ khóa cơ bản. GPT-3 áp dụng được trong nhiều lĩnh vực như: Dịch ngôn ngữ, mô phỏng tiếng nói và tạo văn bản cho chatbot (chương trình kết hợp với AI để tương tác với con người). Một điểm đáng chú ý chính là việc tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc. Mô hình này có thể trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết content, viết mã, viết luận.

Hiện tại, ngoài ChatGPT của OpenAI, còn có nhiều công cụ và ứng dụng khác được phát triển dựa trên công nghệ AI để tương tác với người dùng, ví dụ Microsoft's Bing ChatGPT, Bard AI (AI Chatbot được tạo ra bởi Google dựa trên nền tảng ngôn ngữ LaMDA), Copilot, Notion AI, Chatsonic, Character AI, …

Cuộc tranh cãi về ChatGPT và các trường đại học trên thế giới

Ngay từ khi ra đời, ChatGPT đã thu hút sự chú ý của nhiều người trong cộng đồng giáo dục và đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT trong các trường đại học đã gặp phải nhiều quan ngại và tranh cãi. Một số trường đại học đã quyết định cấm hoặc hạn chế việc sử dụng ChatGPT trên máy chủ của trường hoặc trong hoạt động ngoài trường. Một ví dụ là Sciences Po, một trường đại học hàng đầu ở Pháp, đã cấm không chỉ ChatGPT mà còn cả các công cụ trí tuệ nhân tạo khác. Theo Reuters, sinh viên bị phát hiện sử dụng vi phạm quy định mới này có thể bị đuổi học. Tương tự, Đại học RV ở Bangalore, Ấn Độ, đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT và thậm chí kiểm tra đột xuất các sinh viên nghi ngờ sử dụng trí tuệ nhân tạo này, yêu cầu họ làm lại công việc của mình. Đại học Washington ở St. Louis, Hoa Kỳ cũng đã cập nhật chính sách về tính trung thực học thuật trong đó có đề cập đến trí tuệ nhân tạo tạo ra văn bản tự động như ChatGPT vào định nghĩa vi phạm đạo đức học thuật. Đại học Vermont ở Burlington cũng đang xem xét điều chỉnh quy định về vi phạm bản quyền để áp dụng cho ChatGPT.

Tại Anh Quốc, kể từ khi Chat-GPT xuất hiện, tính đến giữa năm 2023, đã có 8 trong số 24 trường đại học thuộc Nhóm Russell (nhóm các trường đại học hàng đầu ở Anh Quốc) chính thức thông báo cấm sử dụng chương trình này, bao gồm Oxbridge, Manchester, Bristol và Edinburgh. Đại diện từ Đại học Oxford cho biết: "Sinh viên đã được thông báo rằng cho đến khi có thông báo khác, chúng tôi sẽ không cho phép việc sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT..." Đại diện từ Đại học Cambridge cũng cho biết: "Sinh viên phải tự viết bài của mình. Nội dung do các nền tảng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT tạo ra không thể hiện tính nguyên bản của sinh viên và sẽ được coi là hình thức vi phạm học thuật, sẽ bị xử lý theo quy trình kỷ luật của trường."

Trang Redbrick.me đưa tin trước mùa thi, các trường đại học tiếp tục xem xét chính sách thi và chống sao chép. Ngoài các trường thuộc Nhóm Russell, 28 trường đại học khác cũng đã xem xét lại chính sách của họ. Đại học Northumbria, Northampton và Essex cho biết họ đang xem xét chính sách hiện có để đối phó với "các công nghệ mới nổi". Đại học Glasgow Caledonian cũng đã thông báo cho cán bộ giảng dạy về "những điểm cần chú ý khi chấm điểm bài đánh giá để giúp xác định công việc không phải do sinh viên viết".

Nguyên nhân đằng sau việc cấm hoặc hạn chế ChatGPT có thể là mối lo ngại về tính trung thực học thuật. Mặc dù ChatGPT có khả năng tạo ra văn bài viết tự động, nhưng nó không thể đảm bảo tính trung thực và ý tưởng độc đáo của từng sinh viên. Các trường đại học đặc biệt quan ngại về việc sinh viên có thể sử dụng ChatGPT để sao chép hoặc vi phạm quy tắc đạo đức học thuật.

Một vấn đề khác liên quan đến việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục đại học là việc nó có thể làm suy giảm khả năng viết và tư duy sáng tạo của sinh viên. Nếu sinh viên dựa vào ChatGPT quá nhiều để tạo ra nội dung, họ có thể không phát triển các kỹ năng viết và tư duy sáng tạo cần thiết trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đại học đều cấm ChatGPT. Một số ý kiến ủng hộ việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục đại học cho rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể là một công cụ hữu ích để hỗ trợ và nâng cao quá trình học tập. Chẳng hạn, ChatGPT có thể được sử dụng để tạo ra câu hỏi và bài tập cho sinh viên, cung cấp phản hồi tức thì và giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu và viết bài. Một số trường đã tiếp cận trí tuệ nhân tạo tạo ra văn bản tự động theo một cách tích cực. Ví dụ, Đại học Bang New York ở Buffalo dự định sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo trong một khóa học bắt buộc cho sinh viên năm nhất để thảo luận về tính trung thực học thuật. Đại học Furman ở Greenville, South Carolina, Hoa Kỳ cũng đang làm việc để cập nhật chương trình giảng dạy theo hướng này.

Một số đại học ở Anh đang tìm cách hướng dẫn sinh viên sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn một cách có trách nhiệm. Đại học Glasgow muốn khám phá cách hướng dẫn sinh viên sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn một cách có trách nhiệm trong khóa học của họ. University College London đã cập nhật trang web của mình để cung cấp hướng dẫn cho sinh viên về cách sử dụng công cụ này.

Chat GPT tại các trường đại học Việt Nam

Mặc dù AI có thể mang lại lợi ích và tiện ích, việc đảm bảo sự tự chủ và đóng góp cá nhân trong việc nghiên cứu và viết bài vẫn được coi là quan trọng nhất trong giáo dục đại học. Cuộc tranh cãi về việc sử dụng ChatGPT nói riêng và AI nói chung vẫn tiếp diễn trên thế giới. Vậy tại Việt Nam thì sao? Hiện nay hầu như chưa có một Trường đại học nào ở Việt Nam cập nhật các quy định về liêm chính học thuật liên quan đến Chatgpt hay các các phần mềm AI khác. Ví dụ như trong Quy định Liêm chính học thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội ban hành ngày 27/12/2023, hành vi vi phạm liêm chính học thuật chỉ được quy định một cách khát quát “là hành vi không ngay thẳng, không trung thực, lừa dối, thiếu trách nhiệm trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học bao gồm (nhưng không giới hạn) các hành vi sau: đạo văn/tự đạo văn, gian lận, bịa đặt, hỗ trợ hành vi không trung thực” (Khoản 2, điều 2). Tuy nhiên, một số trường đại học tư thục lại tỏ ra cởi mở về việc sử dụng ChatGPT. Trên trang web của Đại học CMC, có 6 bài viết về ChatGPT, trong đó có hướng dẫn sinh viên cách sử dụng hiệu quả ChatGPT và cả thông tin về buổi tọa đàm chuyên đề “ChatGPT và các góc nhìn đa chiều”, trong đó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ CMC (CMC ATI), TS. Đặng Minh Tuấn đánh giá rằng chatbot này không phải quá thông minh và đặc biệt nó không có khả năng sáng tạo. Bản chất ChatGPT không phải là một cơ sở dữ liệu tri thức và không có khả năng suy diễn. Đơn thuần ChatGPT chỉ đoán từ tiếp theo dựa trên số lượng các liên kết giữa các từ đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu được đem đi huấn luyện cho nó mà thôi. TS. Đặng Minh Tuấn còn phát biểu “Ở thời điểm hiện tại, chỉ nên coi ChatGPT như một tài nguyên tham khảo với mục đích học tập hoặc tìm kiếm thông tin, chứ không nên coi đây là một nguồn tin tuyệt đối để đưa ra các quyết định quan trọng”.

Tóm lại, tranh cãi về việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục đại học vẫn chưa có kết luận. Việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và ChatGPT tại các trường đại học phụ thuộc vào chính sách của từng trường và yêu cầu sự cập nhật liên tục của nhà trường với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong thời đại 4.0. Để tận dụng công nghệ này một cách hiệu quả, các trường đại học cần đảm bảo tính công bằng và đúng đắn trong việc sử dụng nó. Một số giải pháp có thể bao gồm thiết lập quy định rõ ràng và hợp lý, cung cấp hướng dẫn cho sinh viên về việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách đúng đắn, và áp dụng các biện pháp kiểm tra và giám sát phù hợp để phát hiện việc sử dụng không đúng cách.

Trong tương lai, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và tranh cãi. Cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và thảo luận để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của việc áp dụng công nghệ này trong giảng dạy và đánh giá sinh viên.

  Gửi ý kiến phản hồi
990