Bài học lãnh đạo từ Napoleon

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử.

         Ông là một trong những chiến thuật gia và chiến lược gia xuất sắc nhất trong thời đại của mình và không ai có thể phủ nhận sự lãnh đạo xuất sắc của ông. Napoleon không những không sợ hãi trên chiến trường mà còn biết cách tạo động lực cho người khác và có được sự trung thành của họ bằng lời nói của mình. Các kỹ năng lãnh đạo và nguyên tắc mà ông đã thể hiện ra đều có thể áp dụng được trong kinh doanh, trên thương trường. Sau đây là 4 bài học được đúc rút từ phong cách lãnh đạo của Napoleon:

BÀI HỌC SỐ 1: NHẮM MỤC TIÊU CAO

           Đừng bao giờ hài lòng với những thứ chỉ "vừa đủ", trong khi bạn có thể đạt được thứ” tốt nhất". Đừng bao giờ chấp nhận trở thành người chỉ "tạm ổn", trong khi bạn có thể trở thành một người "giỏi nhất".

            Mục tiêu cao chỉ có thể đạt được khi bạn nuôi dưỡng tham vọng đủ lớn. Tất nhiên, rõ ràng là bạn cũng phải bỏ nỗ lực, sự quyết tâm một cách tối đa nhất để thực hiện mục tiêu đó. Không có chỗ cho những nỗ lực nửa vời cho những con người muốn bay cao. Không nhắm mục tiêu cao cũng không khác là bao so với việc không nỗ lực vào bất cứ việc nào cả.

BÀI HỌC SỐ 2: LUÔN Ở NƠI CẦN ĐẾN BẠN, VÀ DẪN ĐƯỜNG CHO MỌI NGƯỜI Ở ĐÓ.

           Người ta luôn mong người lãnh đạo của mình luôn có mặt, nhưng việc có mặt ở nơi người ta cần bạn thì quan trọng hơn cả. Napoléon nắm trong tay rất nhiều tướng sĩ tinh nhuệ, có kỹ năng tốt và tài năng vượt trội và ông rất khôn khéo để dẫn dắt những người đó đến những nơi mà tài năng của họ được trọng dụng. Ông cho những người làm việc cho ông sự quan tâm, chú ý, và nhờ vậy ông có thể lãnh đạo họ tốt hơn. Ông biết đâu là nơi mà sẽ cho những người đó thể hiện tài năng của mình, và đó cũng là lúc ông điều khiển họ.

BÀI HỌC SỐ 3: HÃY LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN

        Là một nhà lãnh đạo có nghĩa là luôn sẵn sàng để có thể làm bất cứ việc gì kể cả việc nhỏ nhất. Với Napoléon, không có công việc nào mà binh lính của ông làm mà ông không sẵn sàng làm cùng cả. Ngay cả khi ông đã trở thành một vị tướng nổi tiếng thì ông cũng sẵn sàng nhảy xuống khỏi chiến mã không chút ngại ngùng để đi thăm từng người lính của mình. Kể cả khi đứng ở vị trí cao nhất thì vị đại đế này cũng luôn tham gia vào những công việc kể cả việc nhỏ nhặt trong quân đội, nhờ vậy ông luôn bao quát được tình hình quân đoàn, nắm được những thứ đang diễn ra tại chiến khu của mình.

           Trong suốt một khoảng thời gian dài thì những bức tranh được vẽ về nhà lãnh đạo tinh túy là một người ngồi phía sau bàn làm việc (hoặc trên ngai vàng của riêng họ), quát tháo và ra lệnh nhân viên của mình, mong họ phục tùng và làm theo những gì mình nói . Điều này dễ dàng tạo ra một mối quan hệ chia rẽ, nơi mà những nhân viên của họ sẽ không còn tôn trọng người lãnh đạo của mình, và làm điều gì đó bởi vì họ được bảo làm như vậy kể cả khi họ còn không muốn làm điều đó.

BÀI HỌC 4: NÓI ĐIỀU BẠN MUỐN NÓI VÀ THỰC HIỆN NHỮNG GÌ BẠN NÓI

         Bạn sẽ không bao giờ có thể nghe được lời hứa suông từ một nhà lãnh đạo tốt. Đưa ra những hy vọng hão huyền cũng không khá gì.

         Napoleon luôn coi trọng việc thực hiện những gì đã hứa hẹn và đây là cách hiệu quả để áp dụng trong việc quản lý kỳ vọng nhân viên của bạn. Điều này khiến cho người dân của ông một lòng tin tưởng tuyệt đối vào vị lãnh đạo của mình, vì vậy họ sẵn sàng theo ông và trung thành bất cứ khi nào Napoleon cần.

          Điều quan trọng nhất khi hành xử với nhân viên của bạn - và với những người khác - là cho họ thấy được sự chân thành với tư cách là một nhà lãnh đạo. Bằng cách chọn từ ngữ của bạn một cách cẩn thận, bạn có thể thể hiện ra rằng bạn là người doanh nhân coi trọng lời hứa.

Sưu tầm: Đặng Thị Minh Thuỳ

  Gửi ý kiến phản hồi
154