Đi làm thêm khi còn đang học đại học luôn luôn được các bạn sinh viên quan tâm rất nhiều trong những năm gần đây. Hầu hết các bạn sinh viên cũng đã từng phải suy nghĩ, cân nhắc xem có nên đi làm thêm khi còn đang học đại học hay không? Bởi đi làm thêm lúc đó đối với nhiều bạn sinh viên không chỉ vì yếu tố kinh tế mà còn rất nhiều các yếu tố khác tác động đến. Bài viết dưới đây xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định nên hay không nên đi làm thêm khi còn đang học đại học.
Việc đi làm thêm giúp bạn sẽ có thêm một khoản thu nhập: đi làm thêm sẽ giúp cho bạn có thêm một khoản thu nhập hàng tháng và có đủ khả năng chi tiêu cho bản thân mà không phải xin sự trợ giúp từ gia đình.
Những lợi ích mang lại khi đi làm thêm từ thời đại học:
Đi làm thêm giúp sinh viên mở rộng các mối quan hệ: khi đi làm thêm bạn sẽ có cơ hội mở rộng các mối quan hệ. Bạn quen càng nhiều người liên quan đến công việc làm thêm của bạn thì bạn sẽ càng có nhiều cơ hội để có một công việc tốt trong tương lai.
Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian: khi đi làm thêm bạn sẽ phải tự biết sắp xếp và quản lý thời gian của bản thân một cách hiệu quả sao cho có thể hoàn thành việc học tập ở trường cũng như việc làm thêm. Bạn sẽ trở nên bận hơn nhưng qua đó bạn sẽ học được cách trân trọng thời gian.
Rèn luyện sự năng động cho bản thân: vừa đi học vừa đi làm sẽ khiến bạn phải tự rèn luyện cho mình sự năng động cần thiết để có thể cùng một lúc làm nhiều việc sao cho vẫn đảm bảo được kết quả tốt.
Học cách nhận biết giá trị của đồng tiền: khi đã đi làm bạn sẽ thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền mà bố mẹ mình phải vất vả mới kiếm ra được. Khi phải đối mặt với những khó khăn áp lực từ ông chủ và lỡ làm sai sẽ bị trừ lương bạn mới thấy quý trọng những đồng tiền mà mình làm ra.
Học hỏi được nhiều kinh nghiệm: khi làm thêm bạn sẽ có sự va vấp với thực tế và được trải nghiệm muôn mặt của cuộc sống. Đó là vốn quý mà việc làm thêm mang đến cho bạn.
Phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân: môi trường làm thêm sẽ giúp cho bạn khám phá được những khả năng tiềm ẩn cũng như nhận thức được chính mình để tự có biện pháp điều chỉnh bản thân.
Làm đẹp hơn CV của bạn: khi viết kinh nghiệm đi làm thêm vào CV chắc chắn bạn sẽ nhận được sự chú ý hơn từ nhà tuyển dụng nhất là khi phải cạnh tranh với nhiều ứng viên khác
|
Các sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư đang đi làm thêm tại doanh nghiệp |
Vừa học vừa làm thêm, bạn sẽ mất gì?
Không tập trung vào học tập: vì thời gian dành cho việc học tập và nghiên cứu của bạn sẽ bị chia sẻ và chi phối bởi công việc nên kết quả học tập của bạn có thể sẽ tụt dốc.
Sức khỏe giảm sút: khi phải làm cùng một lúc nhiều việc bạn sẽ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi khiến cho cơ thể dần sẽ trở nên mệt mỏi hơn.
Dễ mắc vào cạm bẫy lừa đảo: do luật pháp ở nước ta chưa có những quy định cụ thể nên mới có tình trạng sinh viên bị các trung tâm giới thiệu việc làm lừa đảo hoặc bị các nơi nhận việc quỵt tiền.
Rất khó khăn trong việc kiếm được công việc part-time ổn định và hiệu quả: đa phần các bạn đều có xu hướng muốn tìm những công việc làm thêm có liên quan đến ngành học để có thể vừa đi làm vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho công việc sau này. Nhưng trên thực tế bạn sẽ rất khó kiếm được những công việc phù hợp như vậy.
Rất dễ lâm vào tình trạng chán nản: khi đi làm thêm bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán nản bởi bạn sẽ bị gò bó vào khung thời gian nhất định với những quy tắc của người đi làm.
Qua phân tích nêu trên, có thể thấy cho thấy nhiều bạn đi làm thêm chỉ vì mục đích kiếm tiền. Điều đó không sai nhưng nó không phù hợp với nhiệm vụ mà bạn cần thực hiện. Với những bạn gia đình khó khăn, hãy cân nhắc thật kỹ để chọn lựa công việc làm thêm phù hợp và dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, hãy cố gắng đặt yếu tố kinh nghiệm lên trên vấn đề tiền bạc cũng như gắn lý thuyết với thực tiễn để có hành trang vào đời vững chắc, đạt được ước mơ và hoài bão của mình.