Kinh nghiệm dành cho sinh viên năm nhất trên giảng đường đại học

Kinh nghiệm dành cho sinh viên năm nhất trên giảng đường đại học

“Sinh viên”, hai từ tưởng chừng rất đơn giản nhưng các bạn đã phải dành đến 12 năm đèn sách và trải qua một kỳ thi rất căng thẳng mới có được. Và các bạn đang chuẩn bị những hành trang đầu tiên của cuộc đời sinh viên. Làm thế nào để quãng đời sinh viên trở thành những thời khắc đẹp nhất và có ý nghĩa nhất của cuộc đời? Làm thế nào để các bạn vượt qua được những khó khăn trong năm học đầu tiên này? Dưới đây là một số chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị sinh viên Ngành Kinh tế - Trường Đại học Thủy Lợi sẽ giúp các bạn năm nhất tự tin và vững bước khẳng định bản thân nhé.

Gặp mặt tân sinh viên tại Hội trường T45

 

1. Cần tự thân vận động, tự chủ trong học tập: Khác với các năm cấp 3, các thầy cô đại học sẽ giảng dạy theo phương pháp định hướng nhiều hơn, không có kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết hay kiểm tra bài cũ nhiều như trước đây. Thầy cô sẽ cung cấp tài liệu học tập gồm tên giáo trình, bài giảng slide và bài tập. Ngoài những kiến thức cơ bản được giảng dạy trên lớp, các bạn sẽ cần chủ động tìm hiểu tài liệu, chủ động làm bài tập về nhà ngay cả khi thầy cô không giao sau mỗi buổi học. Một điều chắc chắn là nếu bị trượt học phần bắt buộc nào các bạn sẽ phải dành từng đó thời gian và tiền bạc để hoàn thành học phần đó (còn gọi là học lại). Như vậy, nếu không học và không làm bài tập, khả năng học lại học phần đó gần như là chắc chắn. Lời khuyên: Các bạn cần tự thân vận động và tự chủ trong học tập, có thể cùng bạn bè lập nhóm học tập trên thư viện, sau mỗi buổi học cần dành chút ít thời gian để ôn lại bài và làm bài tập các môn đã học, chú ý nghe giảng trên lớp, hỏi ngay thầy cô hoặc bạn bè  những nội dung chưa hiểu, việc này sẽ giúp bạn giảm thiểu rất nhiều thời gian học tập ở nhà.

Trên giảng đường đại học

 

2. Luôn đặt mục tiêu cho bản thân trong học tập: Các anh chị sinh viên khóa trước đạt kết quả tốt ở giảng đường đại học thường truyền tai nhau, chỉ cần giữ vững phong độ học tập ở cấp 3 thì chắn chắn không có học phần nào dù khó đến mấy đánh bại được bạn, thậm chí bạn còn có khả năng giành được rất nhiều suất học bổng có giá trị của nhà trường vào cuối học kỳ. Vào được giảng đường đại học nhiều bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên năm đầu thường có tâm lý xả hơi sau quãng thời gian học tập căng thẳng ở cấp 3. Tuy nhiên, đây chính là một tâm lý rất nguy hiểm và là nguyên nhân chính của các “tráp” cảnh báo học tập mà bạn có thể nhận vào cuối học kỳ. Và chỉ cần rơi vào cảnh báo học tập mức 3 là các bạn có nguy cơ bị thôi học, không thể cứu vãn. Do vậy, hãy chuẩn bị cho mình một ý chí vững vàng, giữ vững phong độ, luôn đặt ra mục tiêu học tập cho bản thân và cố gắng dành được nó. Nếu các bạn không đặt ra mục tiêu thì chắc chắn bạn sẽ không có quyết tâm, động lực gì gì để thực hiện. Lời khuyên: Hãy đặt mục tiêu hơi cao chút để có thêm động lực cố gắng.

3. Không nên đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất: Cách thức, phương pháp học tập ở đại học hoàn toàn khác với  ở cấp 3 nên bạn sẽ cần thời gian để thích nghi, để tự tìm ra phương pháp học tập phù hợp, cách thức học tập hiệu quả và định lượng thời gian cần thiết cho việc học tập của bản thân. Bạn đã trưởng thành và nhìn chung bố mẹ sẽ ít dõi theo từng bước đi, từng buổi học và bài tập của các bạn đặc biệt là các bạn ở xa gia đình. Đó sẽ là khó khăn rất lớn để các bạn giữ được kết quả học tập tốt. Vào năm nhất, các bạn gần như chưa đánh giá được lực học của bản thân, chưa lường hết được những khó khăn mình sẽ gặp phải khi học đại học, nếu cộng thêm áp lực đi làm  các bạn sẽ dễ bị cuốn vào việc kiếm tiền và nhanh chóng quên đi nhiệm vụ chính của mình là học tập.Đây là chia sẻ của rất nhiều bạn sinh viên rơi vào diện “Cảnh báo học tập” với nguyên nhân là đi làm  thêm ngay từ năm nhất.. Lời khuyên: Các ban nên tập trung vào học tập, tự đánh giá thực lực của bản thân trong năm học đầu tiên đểhình thành phương pháp học tập hợp lý và hiệu quả, chỉ nên nghĩ đến việc đi làm thêm ở những học kỳ cuối của chương trình học để học hỏi kinh nghiệm trước khi ra trường.

4. Tích cực tham gia các câu lạc bộ trong trường để tăng kỹ năng sống, tăng cường giao tiếp và mối quan hệ bạn bè. Trường đại học không chỉ có môi trường học tập mà còn rất nhiều câu lạc bộ ngoại khóa. Ở Trường Đại học Thủy Lợi có rất nhiều các câu lạc bộ (CLB) khác nhau như CLB Sinh viên tình nguyện, CLB Phát triển kỹ năng, CLB Bóng đá, CLB Khởi nghiệp…Tại đây, sinh viên được thỏa sức phát huy sở trường của bản thân, được sự hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị sinh viên khóa trên để cùng phát triển. Đây là cơ hội rất tốt để các bạn sinh viên năm nhất sớm hòa nhập với môi trường đại học, đây cũng là nơi các bạn có thể học hỏi, trao đổi và được giải đáp cho rất nhiều thắc mắc trong quá trình học tập tại trường đại học. Các câu lạc bộ sẽ trang bị cho các bạn sinh viên rất nhiều kỹ năng sống, sự tự tin và năng động; đó một trong những hành trang rất cần thiết cho các bạn sau khi ra trường. Ngoài ra, khi tham gia các câu lạc bộ, các bạn còn được cộng khá nhiều điểm rèn luyện, điều này đặc biệt có ý nghĩa với các bạn đang tìm kiếm học bổng. Lời khuyên: Hãy thử tham gia một câu lạc bộ  mình thích nhất và trải nghiệm.

Sinh viên ngành Kinh tế đi tham quan tại cảng VIP Green Port (Hải Phòng)

 

5. Nâng cao trình độ ngoại ngữ: Sự tự ti sẽ luôn thường trực ở các bạn có vốn tiếng anh hạn chế. Và đó còn là yếu điểm lớn khi ra trường xin việc sau này. Do vậy, ngay từ năm thứ nhất, các bạn cần nhận ra tầm quan trọng của ngoại ngữ và dành thời gian cần thiết để trau dồi cả bốn kỹ năng ngoại ngữ của mình (nghe, nói, đọc, viết). Việc học ngoại ngữ hiện nay có thể thực hiện trên nhiều phương tiện và tài liệu trên Internet hỗ trợ rất tốt để các bạn tự nâng cao trình độ. Lời khuyên: Hãy luôn dành 30 phút mỗi ngày để học tiếng anh. Càng kém tiếng anh càng cần cố gắng để vượt qua nỗi sợ và tự tin khẳng định bản thân.

Ngoài ra, còn rất nhiều những kinh nghiệm quý báu khác nữa nhưng năm nhất, các bạn cứ tạm thời đút túi một số kinh nghiệm này và  đúc rút những kinh nghiệm khác nữa khi vào trường nhé.

Sinh viên ngành Kinh tế luôn tự hào có rất nhiều sinh viên là thủ khoa tốt nghiệp củaTtrường Đại học Thủy Lợi, dành được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi Nghiên cứu Khoa học Sinh viên, cuộc thi Olympic toàn quốc và là một trong những ngành học dành được rất nhiều suất học bổng cao của Nhà trường. Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao Nhà trường, Khoa Kinh tế và Quản lý, những lời khuyên và tư vấn hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ các giảng viên bộ môn Kinh tế, các thầy cô cố vấn học tập và các anh chị sinh viên khóa trên.

Ngành Kinh tế chào đón các bạn sinh viên năm nhất và luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn giúp các bạn đạt được các mục tiêu đề ra của mình trên giảng đường đại học.