Cử nhân KINH TẾ ĐẦU TƯ đáp ứng các vị trí việc làm “khát” nhân lực trong tương lai

Cử nhân được đào tạo từ ngành/chuyên ngành Kinh tế đầu tư khẳng định vai trò to lớn trong việc đáp ứng các nhu cầu vị trí việc làm tại các doanh nghiệp trong tương lai. Cử nhân chuyên ngành đầu tư ở trong nước và tại trường Đại học Thủy lợi nói riêng được cung cấp những kiến thức – kỹ năng – thái độ đáp ứng nhu cầu đầu vào của các doanh nghiệp. Trong đó, về kiến thức chuyên ngành cung cấp cho sinh viên các kiến thức về hoạt động đầu tư (bỏ vốn trong hiện tại nhằm mục đích thu lợi trong tương lai) của doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân; Về các hoạt động đầu tư phát triển trong doanh nghiệp; Về đầu tư dự án (Lập – Thẩm định – Quản lý – Quản trị rủi ro); Về huy động vốn; Về đầu tư tài chính trên thị trương tài chính....

Và dưới đây là một số ngành nghề và cơ hội việc làm khát nhân lực trong tương lai mà sinh viên ngành/chuyên ngành Kinh tế đầu tư có thể tự tin nộp hồ sơ:

1. Chuyên gia/chuyên viên Quản lý dự án

Chuyên gia/chuyên viên Quản lý dự án – Là những người đứng đầu, kiểm soát dự án và có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt đội nhóm hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Vì vậy, nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi Chuyên gia/chuyên viên Quản lý Dự án có những kỹ năng, tố chất phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong mô tả công việc tốt nhất.

Quản lý Dự án thường không cần thực hiện các nhiệm vụ thực hành liên quan đến dự án nhưng họ phải là người chịu trách nhiệm chung, điều phối và giám sát dự án nên vẫn phải có kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực.

Cơ hội việc làm:

Quản lý dự án hiện đang là một trong những lĩnh vực “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao bởi tính chất mới mẻ của ngành nghề. Theo dự báo của PMI (Hiệp hội nghề nghiệp hàng đầu thế giới cho các nhà quản lý dự án chuyên nghiệp), sẽ có khoảng 22 triệu việc làm mới trong ngành dự án được tạo ra trong giai đoạn 2023-2030. 

2. Chuyên gia phân tích tài chính

Chuyên gia phân tích tài chính - Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hàng ngày của tổ chức. Ở cấp độ cao, họ nghiên cứu và sử dụng dữ liệu tài chính để hiểu hoạt động kinh doanh và thị trường để xem tổ chức hoạt động như thế nào. Dựa trên các điều kiện kinh tế chung và dữ liệu nội bộ, họ đề xuất các hành động mà công ty nên thực hiện, như đầu tư cổ phiếu, trái phiếu… trên thị trường hoặc thực hiện các khoản đầu tư khác.

Cơ hội việc làm:

Nghề phân tích tài chính là một ngành nghề chưa được biết đến rộng rãi, nó còn mang tính chuyên môn đặc thù mà chỉ những người trong ngành mới hiểu rõ. Điều này khiến nhiều người vẫn còn mơ hồ về công việc này. Thực ra xét trên tình hình phát triển hiện nay ở nước ta thì nghề phân tích tài chính có cơ hội phát triển trong tương lai rất lớn.

Chuyên viên phân tích tài chính đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Vậy nên, sự đãi ngộ, ưu tiên mà các doanh nghiệp đưa ra để giữ chân các nhân tài cũng rất hấp dẫn. Nếu làm tốt bạn có nhiều cơ hội để thăng tiến và đảm nhận những chức vụ quan trọng như: Giám đốc tài chính, CEO,…

3. Chuyên viên quản trị rủi ro

Trong ngành Tài chính ngân hàng có một thuật ngữ thường được đề cập khá nhiều là Risk Management Officer – hay còn là vị trí nhân viên quản lý rủi ro. Đây là nhánh khá ít người biết đến trong ngành Tài chính ngân hàng, tuy nhiên lại đóng một vai trò quan trọng trong việc phân tích và dự báo những rủi ro, đồng thời lên phương án để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Trong những năm tới đây, quản lý rủi ro chắc chắn sẽ đi đầu trong xu hướng việc làm.

Ngoài đảm bảo những chính sách mà các bộ phận đề ra hoạt động hiệu quả và tư vấn để bộ máy doanh nghiệp không sai sót thì giờ đây, nhân viên quản lý rủi ro lại càng đóng một vị trí quan trọng hơn khi mà đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngành tài chính ngân hàng có sự bùng nổ. Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 diễn ra ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Bởi trí tuệ nhân tạo và công nghệ ngày một tiên tiến và hiện đại, tuy nhiên tại Việt Nam khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự phát triển và không thế tránh khỏi những sai sót. Hay nói cách khác, vị trí quản trị rủi ro trong ngân hàng chính là đảm bảo cả con người và máy móc đều hoạt động, vận hành không sai sót và hiệu quả.

Cơ hội việc làm:

Người làm quản trị rủi ro có nhiệm vụ nhận diện, phân tích, đánh giá rủi ro và triển khai các chiến lược, kế hoạch quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu tổn thất, thiệt hại kinh doanh, từ đó tiết kiệm chi phí, đem lại doanh thu cao hơn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, nghề quản trị rủi ro tại Việt Nam đang có cơ hội việc làm rộng mở, đặc biệt là tại các đơn vị, tổ chức như: Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, yêu cầu kiến thức và chuyên môn sâu về tài chính doanh nghiệp; Các ngân hàng: chuyên viên quản trị rủi ro như quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro thị trường; Các công ty chứng khoán: chủ yếu quản trị rủi ro các hoạt động tài chính.

4. Nhân viên kinh doanh

Nhân viên kinh doanh – Account Executive – là vị trí liên quan đến sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm của khách hàng và mục tiêu, đảm bảo sự chuyên nghiệp khi đưa những lời khuyên để tạo ra được các hoạt động, chiến lược quảng bá, kinh doanh thành công.

Hiểu theo nghĩa đơn giản hơn, NVKD chính là những nhân sự trực tiếp làm việc, cung cấp dịch vụ của một đơn vị, doanh nghiệp hoặc công ty đến với khách hàng. Mục đích của vị trí NVKD là nhanh chóng tăng doanh thu, lợi nhuận, đẩy bán các sản phẩm của công ty, doanh nghiệp.

Cơ hội việc làm:

Nhu cầu nhân lực cho các vị trí trong lĩnh vực kinh doanh nói chung và vị trí nhân viên kinh doanh nói riêng luôn ở mức cao. Ngay cả khi tình hình kinh tế, xã hội chuyển biến phức tạp thì các công ty, doanh nghiệp vẫn cần tuyển nhân viên kinh doanh để đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt. 

5. Quản lý chuỗi cung ứng

Quản lý chuỗi cung ứng trong tiếng Anh là Supply Chain Management, viết tắt là SCM là việc quản lý dòng hàng hóa và dịch vụ và bao gồm tất cả các quy trình từ biến đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng. SCM liên quan đến việc tổ chức hợp lý các hoạt động phía nguồn cung của doanh nghiệp để tối đa hóa giá trị khách hàng và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Quản lý chuỗi cung ứng – SCM là sự kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật và khoa học nhằm cải thiện cách thức các công ty tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thô cấu thành sản phẩm, dịch vụ, sau đó sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ đó và phân phối tới các khách hàng. Điều quan trọng đối với bất kì giải pháp SCM nào, dù sản xuất hàng hóa hay dịch vụ chính là việc làm thế nào để hiểu được sức mạnh của các nguồn tài nguyên và mối tương quan giữa chúng trong toàn bộ dây chuyền cung ứng sản xuất.

Cơ hội việc làm:

Ngành Quản lý Chuỗi cung ứng là một ngành đang rất cần nguồn nhân lực chuyên môn cao nhất là trong bối cảnh sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang hướng đến Việt Nam như hiện nay. Trước những thực trạng đã xảy ra như đại dịch Covid- 19, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, cho thấy rằng quản lý chuỗi cung ứng chính là một trong những mấu chốt giúp vực dậy nền kinh tế. 

Đại dịch Covid – 19 diễn ra đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thế giới. Vào thời kỳ đỉnh điểm, hơn 70% các hãng tàu phải chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, hàng nghìn con tàu không thể cập cảng, đồng nghĩa với việc hàng hóa bị ùn ứ không thể lưu thông. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực chuỗi cung ứng chính là những người góp phần rất lớn trong việc duy trì và khôi phục nền kinh tế.