Thẩm định Hồ sơ mở Ngành Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành và Ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng

Đón chào năm mới 2020 với những hứa hẹn đột phá về đào tạo, Bộ môn Quản trị kinh doanh – Khoa Kinh tế và Quản lý đã tổ chức thành công hai buổi “Hội thảo mở ngành Quản trị dịch vụ du lịch-lữ hành” cùng “Hội thảo mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng” diễn ra ngày 03 tháng 01 năm 2019.

TS. Trần Quốc Hưng -Trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh, đồng thời là đơn vị trực tiếp phát triển cả 2 chương trình đào tạo phát biểu: “…Hội thảo được tổ chức với ý nghĩa lớn nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội; thể hiện quyết tâm đổi mới sáng tạo không ngừng của đội ngũ giảng viên nhiệt huyết và có tâm với sự phát triển chung của trường, Khoa và Bộ môn Quản trị kinh doanh…”

TS. Trần Quốc Hưng - Trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh trình bày đề án mở ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành

TS. Triệu Đình Phương - Phó trưởng Bộ môn Quản trị kinh doanh trình bày đề án mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

Hai hội thảo được tổ chức song song với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về mở ngành đào tạo tại các trường đại học, tiêu biểu như PGS.TS Lê Anh Tuấn (ĐH Điện lực) – Chủ tịch Hội đồng thẩm định ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; PGS.TS Trần Đức Thanh – Chủ tịch Hội đồng thẩm định ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ Hành; cùng các chuyên gia thẩm định chương trình đào tạo từ các trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương Mại, đặc biệt là các đại diện doanh nghiệp đóng góp trực tiếp trong việc phát triển hai chương trình đào tạo…

Một trong những phần quan trọng nhất của chuỗi hội thảo là các ý kiến phản biện cho hai đề án chương trình đào tạo. Nhìn chung, tất cả các chuyên gia đều nhận định với việc mở hai ngành mới, Khoa Kinh tế và Quản lý cùng Bộ môn Quản trị kinh doanh đã thể hiện sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng trong việc hòa nhập với xu thế đào tạo trong lĩnh vực du lịch-lữ hành và logistics. Sự quyết tâm mở rộng chương trình đào tạo đem đến lợi ích to lớn: “…không chỉ gắn liền với nhu cầu lao động của xã hội trong ngành dịch vụ, mở rộng rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên mà còn nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng chương trình đào tạo của trường, Khoa và Bộ môn, phát huy tối đa năng lực nghiên cứu cũng như khát khao học hỏi, đổi mới sáng tạo cho đội ngũ giảng viên…”.

Bên cạnh đó là những ý kiến đóng góp đa chiều và chuyên sâu về chuyên môn như việc định vị mức độ tiệm cận của chương trình đào tạo với nhu cầu lao động thực tế, các phương pháp liên kết đào tạo, thực tập, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng thời lượng tiếng Anh chuyên ngành, tăng số tín chỉ thực hành do cả 2 ngành dịch vụ du lịch-lữ hành và logistics đều đòi hỏi rất nhiều kỹ năng nghiệp vụ, đề xuất những chuyến đi thực tế tại doanh nghiệp, học hỏi chương trình đào tạo quốc tế. Đặc biệt, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp vô cùng thiết thực về việc tận dụng chính nguồn lực và thế mạnh vốn có của trường ĐH Thủy lợi để phát triển thêm những học phần như Du lịch nông nghiệp bền vững (Sustainable Agri-tourism) nhằm khai thác một số công trình thủy lợi, nông nghiệp trở thành điểm đến du lịch; sáng tạo trong việc thực hành các nghiệp vụ hải quan, cung ứng cho ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Đánh giá về chương trình đào tạo, các chuyên gia còn đề cập đến việc điều chỉnh thời lượng lý thuyết – thực hành cũng như tầm quan trọng của sự truyền cảm hứng và tạo động lực học tập của sinh viên. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực sáng tạo và tâm huyết của đội ngũ giảng viên và lãnh đạo trường, Khoa và Bộ môn. ThS. Đinh Thị Thùy Linh – Đại diện doanh nghiệp trong hội đồng thẩm định cho biết:”…Doanh nghiệp chúng tôi rất quan tâm đến khả năng làm việc cũng như tâm huyết với nghề của sinh viên, vì vậy chương trình đào tạo nên được đổi mới sáng tạo, cập nhật thường xuyên những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết khi đào tạo cho sinh viên, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ, tôi hi vọng chương trình đào tạo ngành mới sẽ tạo nguồn động lực quý báu cho sinh viên làm được nghề, thành công với nghề, và tâm huyết với nghề…”.

Hội đồng thẩm định ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành

Hội đồng thẩm định ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

Bế mạc chuỗi hội thảo, đại diện Bộ môn Quản trị kinh doanh bày tỏ mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp về công tác đào tạo 2 ngành du lịch-lữ hành và logistics nhằm phù hợp với thực tiễn yêu cầu của xã hội, những định hướng về xây dựng nội dung học phần, vấn đề liên kết doanh nghiệp và cơ sở vật chất thực hành, xu thế đào tạo từ các trường đại học hàng đầu nước ngoài trong các ngành dịch vụ, hoàn thiện chương trình đào tạo, giáo trình, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định AUN về chương trình đào tạo, tiếp tục khẳng định giá trị thực tiễn và những quyết tâm, nỗ lực đổi mới sáng tạo không ngừng của trường Đại học Thủy Lợi, Khoa Kinh tế và Quản lý nói chung và Bộ môn Quản trị Kinh doanh nói riêng.

 

  Gửi ý kiến phản hồi
494