Kỷ niệm tham gia Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng

Để hoàn thành một đề tài nghiên cứu khoa học trong khoảng thời gian tương đối dài, nhất thiết bạn cần có nhiệt huyếtthái độ làm việc nghiêm túc. Chỉ khi thực sự nghiêm túc với công việc mình đang làm bạn mới rèn luyện được những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Và tất nhiên rồi, quá trình làm nghiên cứu, học hỏi, tiếp xúc, trao đổi với bạn bè và thầy cô sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu không dễ gì có được.

Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng là Hội thi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên toàn quốc được Trung ương Hội sinh viên Việt Nam phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức hằng năm, bắt đầu từ 2014. Chúng tôi, ba sinh viên ngành Kinh tế của Trường ĐH Thủy lợi biết đến Hội thi này từ thông báo trên fanpage của Hội sinh viên Việt Nam ngay đầu năm 2020. Thật đáng tiếc, thời điểm biết đến cuộc thi cũng là lúc hết hạn đăng ký nên chúng tôi đã lỡ hẹn với cuộc thi năm đó.

 Vậy nên năm nay, ngay khi nhận được thông báo, chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc và xin hướng dẫn trực tiếp từ hai cô giáo của mình, TS. Phùng Mai Lan và TS. Nguyễn Ánh Tuyết. Cô Lan và Cô Tuyết là hai giảng viên lâu năm ngành Kinh tế của Trường ĐH Thủy lợi, là tác giả của nhiều công trình NCKH trong và ngoài nước có uy tín. Các cô chính là những người thầy đầu tiên tiếp lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho những tân sinh viên như chúng tôi hai, ba năm về trước.

Dưới sự hướng dẫn của các cô, chúng tôi đã tiến hành lựa chọn đề tài nghiên cứu và đăng ký dự thi đúng hạn. Đề tài nghiên cứu chúng tôi mang tới Hội thi lần này là: “Ứng dụng kinh tế lượng không gian đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của các nhân tố tới tạo việc làm của các doanh nghiệp ngành Thương mại Dịch vụ Việt Nam”,

Các thành viên của nhóm nghiên cứu, từ trái qua phải, Lê Hồng Ngọc (lớp 60K-QT); Nguyễn Xuân Vũ (lớp 62K1); Vũ Thị Nguyệt (lớp 60K-ĐT)

 

Bắt tay nghiên cứu vào cuối tháng 01/2021, khi dịch bệnh Covid 19 đang diễn biễn phức tạp, nhóm nghiên cứu không thể gặp mặt trực tiếp. Thay vào đó, rất nhiều cuộc họp online giữa các thành viên và với hai cô giáo hướng dẫn được thực hiện để thảo luận về nội dung, cách thức thực hiện đề tài, và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

Kể từ khi bắt đầu đăng ký đến ngày nộp bài, các cô và các học trò đã có nhiều cuộc họp đến tận khuya, rồi liên tục những tin nhắn lúc 23h00 để lưu ý những nội dung cần chỉnh sửa, hoàn thiện. Tất cả thể hiện sự tâm huyết của cả cô và trò dành cho sản phẩm nghiên cứu của mình.

Hai cô giáo hướng dẫn của nhóm, TS. Phùng Mai Lan và TS. Nguyễn Ánh Tuyết

 

Với tâm thế tham gia Hội thi để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nhóm nghiên cứu không đặt nặng tiêu chí đạt giải thưởng. Suy nghĩ thường trực của chúng tôi là: “Tham gia những cuộc thi lớn để được cọ sát với các bạn sinh viên đến từ các trường ĐH trong cả nước, để học hỏi kinh nghiệm và phát triển bản thân. Đó mới là mục tiêu cao nhất.

Năm nay Hội thi Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng toàn quốc lần thứ VI có tới hơn 200 đề tài nghiên cứu tham gia, đến từ nhiều Trường Đại học trên cả nước và cũng là những trường hàng đầu trong đào tạo ngành Kinh tế tại Việt Nam như Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Thú thật, khi biết được thông tin này, chúng tôi cũng có những áp lực nhất định nhưng đồng thời càng thêm quyết tâm hoàn thiện sản phẩm của mình hơn nữa.

Khi đề tài của nhóm được chọn đi tiếp vào sơ khảo, cả ba thành viên vừa mừng vừa lo. Có lẽ, thời gian chờ đợi công bố kết quả là lúc chúng tôi sốt ruột và lo lắng nhiều nhất, nhiều hơn cả những đêm thức khuya nghiên cứu tài liệu, xử lý số liệu hay viết báo cáo.

Đến giữa tháng 8, dịch Covid 19 diễn biến căng thẳng hơn nên vòng chung kết được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Được tiếp cận với những đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao và chứng kiến tài năng, tự tin của các bạn sinh viên đến từ các Trường Đại học khác, chúng tôi học hỏi được rất nhiều, không chỉ từ kiến thức, kỹ năng mà còn cảm nhận được sự nhiệt huyết của các bạn dành cho đề tài nghiên cứu của mình.

Một buổi thảo luận nhóm

 

Trong Lễ Công bố giải, dù tâm thế vốn không có gánh nặng thắng thua nhưng chúng tôi thật sự xúc động khi nghe tin “đứa con tinh thần” của nhóm giành được giải Nhì của Cuộc thi. Đây là niềm vinh dự, niềm tự hào và cũng là món quà tri ân ý nghĩa mà chúng tôi muốn gửi tặng tới hai cô giáo hướng dẫn đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho chúng tôi.

Kết thúc cuộc thi, chúng tôi nhận ra rằng những điều quý giá nhất mình nhận được khi tham gia cuộc thi này là kỹ năng, thái độ làm việc và kinh nghiệm. Để hoàn thành một bài nghiên cứu trong khoảng thời gian tương đối dài, nhất thiết bạn cần có nhiệt huyết và thái độ làm việc nghiêm túc. Chỉ khi thực sự nghiêm túc với công việc mình đang làm, bạn mới rèn luyện được những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Và tất nhiên rồi, quá trình làm nghiên cứu, học hỏi, tiếp xúc, trao đổi với bạn bè và thầy cô sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu.

Hãy mạnh dạn tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học để học hỏi những kĩ năng và kiến thức mới, đặc biệt là phương pháp tư duy logic, rồi bạn sẽ nhận ra bản thân thay đổi nhiều như thế nào sau khi hoàn thành. Đừng để những ngày tháng ngồi trên ghế giảng đường trở nên tẻ nhạt, bạn nhé!”

Lê Hồng Ngọc, lớp 60K-QT