Định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam hầu như chưa có, hoặc là quá muộn !

Ở các nước phát triển, học sinh được định hướng nghề nghiệp từ rất sớm, hầu hết học sinh THCS đã được định hướng nghề nghiệp, đã có ước mơ và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Còn ở Việt Nam chúng ta, thi đại học còn chưa biết sẽ chọn trường nào, nghề nào. Đến sinh viên năm cuối (đã có ngành nghề) thì ra trường cũng chưa biết làm ngành nghề gì, hầu hết làm trái ngành; và chẳng thấy học đại học hữu ích là mấy. Vậy nguyên nhân ở đâu?

Hôm trước tôi có gặp một nhóm bạn. Chị bạn kể về cậu con trai 10 tuổi của mình: “Con cực kỳ sáng tạo. Đây, đây là bức tranh con vẽ, ai cũng bảo nó rất đặc biệt. Hồi lớp 2, con có tham dự một cuộc thi vẽ do Toyota tổ chức ở trường và đạt giải nhất, cả gia đình nhờ đó được một chuyến đi Nhật miễn phí. Tuy nhiên, con học các môn văn hóa thì không hề giỏi, chỉ là rất bình thường. Tính tình con cũng đặc biệt, con thích sáng tạo, không thích kỷ luật. Chị rất lo vì sau này con lên cấp 2, phải học nặng và học chuyên thì sẽ rất vất vả và không theo kịp…”

Chị bạn khác hỏi tôi: “Thế ý cô giáo thế nào?”

Tôi nói: “Thực ra chị cần tự hào mới đúng! Hãy cho con phát huy hết khả năng yêu thích của mình. Con sau này làm nghề gì quan trọng gì đâu, nghề gì giỏi cũng sẽ giàu có và hạnh phúc mà”. Tôi phân tích thêm:

Sở dĩ ở nước ngoài người ta định hướng nghề nghiệp sớm, vì bố mẹ cho con tự lập, tôn trọng quyết định của con. Tự lập không có nghĩa là họ mặc kệ con, mà họ có kiến thức, họ quan sát con rất kỹ để hiểu con mong muốn gì, phù hợp với nghề gì. Dù bố mẹ muốn con sau này học luật, nhưng con bảo con muốn trở thành nhà sử học, bố mẹ cũng Ok, và giúp con tìm hiểu thật nhiều về lịch sử. Dù bố mẹ muốn con làm nghiên cứu, nhưng con muốn kinh doanh, bố mẹ cũng sẽ Ok, và  hỗ trợ con ở các mức cần thiết. Từ nhỏ, trẻ con được làm trắc nghiệm vân tay để hiểu rõ tính nết và sở trường, nghề nghiệp phù hợp sau này. Họ hầu như để con tự ra quyết định, và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Sau 18 tuổi, dù học đại học gần nhà, con cũng có thể ra ở riêng nếu muốn. Việc học đại học, con phải lên kế hoạch tài chính, tìm học bổng, vay ngân hàng, các tổ chức, hoặc vay bố mẹ; và sau này phải có nghĩa vụ hoàn lại. Do đó, sinh viên của họ đều đi làm thêm là để tự trang trải cuộc sống của mình. Học xong 4 năm đại học, nếu các con chưa quyết định được công việc của mình sẽ làm gì, các con có thể nghỉ 1 năm để đi du lịch, đi vòng quanh thế giới để quan sát, để biết mình thích gì, phù hợp công việc nào, môi trường nào…

Ở một số nước phát triển, người ta quan trọng nhất là thái độ, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sinh tồn. Khi xem các bộ phim, chúng ta sẽ thấy: Nếu xảy ra sự cố gì, người Việt Nam sẽ làm lớn lên, khóc lóc than phiền, chia sẻ… Còn người phương Tây họ sẽ bình thản đón nhận, chấp nhận những điều không may xảy ra, thực sự rất đáng khâm phục.

Tôi luôn tôn trọng những tài năng của thế hệ trẻ chúng ta, phải công nhận rằng, với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều học sinh, sinh viên có những tham vọng, năng động, sáng tạo thật tuyệt vời; nhưng tôi vẫn thấy buồn vì đó là số rất ít. Người Việt chúng ta thì rất hay khoe con, muốn con thực hiện giấc mơ của cha mẹ. Vì thế, nếu có thể lập trình con được, chắc lập trình cho tương lai của con luôn. Bên cạnh đó, các trường tiểu học, trung học công lập ở Việt Nam học vẫn nặng về các môn văn hóa, nên học sinh thiếu phát triển toàn diện. Vấn đề là, càng học càng thấy các em thụ động và trí nhớ kém, kém sáng tạo. Vì thế mà có nhiều người không dám cho con học trường công lập. Còn nếu có điều kiện thì cho con học trường quốc tế, sau đó đi du học và xác định là ở luôn ở nước ngoài. Chứ về Việt Nam thì con cũng không hiểu và không phù hợp với văn hóa và môi trường làm việc ở các doanh nghiệp Việt Nam (Hiện tượng sốc văn hóa ngược). Vậy nên, trong một buổi giao lưu với sinh viên, rất nhiều em thổ lộ với tôi rằng: Em mong muốn học ngành X, nhưng gia đình lại định hướng em học ngành Y, mong cô cho lời khuyên?

Nói đến đây, chắc nhiều bạn sẽ chợt buồn, tự hỏi: Vậy bọn em chưa được định hướng, hoặc đã chọn sai, giờ phải làm thế nào?

Mục tiêu đến từ những bộ phim ta xem, những sách ta đọc, những việc ta làm và những người ta gặp. Các bạn cứ cọ xát nhiều thì mục tiêu và con đường ta chọn sẽ rõ ràng hơn. Không ai định hướng cho chúng ta thì chúng ta tự định hướng cho mình thôi. Dù muộn còn hơn không các bạn nhé! Học đại học, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp được thời gian để có thể học một lúc 2 ngành; hoặc vừa học vừa dành thời gian tìm hiểu những gì bạn mong muốn (như tại trường Đại học Thủy Lợi). Gia đình các bạn định hướng cho bạn chọn ngành X bởi theo kinh nghiệm của người đi trước, có thể đó là ngành mà nhu cầu xã hội đang cần. Bạn cần học những ngành mà đáp ứng cả ba yếu tố: Đó là ngành bạn thích, phù hợp với sở trường của bạn (bạn giỏi hoặc có khả năng giỏi), và cũng là ngành mà xã hội đang cần nhiều nhé!

Lê Dung