Bạn phù hợp với ngành Quản trị Kinh doanh hay Kinh tế học?

Những gợi ý chọn ngành Quản trị Kinh doanh và Kinh tế dưới đây chỉ mang tính tham khảo dựa trên một số lựa chọn cá nhân. Để chọn ngành một cách chính xác hơn, bạn có thể sẽ phải cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác như nội dung chương trình học, mức học phí, cơ hội học bổng hay tương lai nghề nghiệp.

Bạn thích học lên Thạc sĩ hay chỉ Cử nhân là đủ?

Nếu bạn chỉ có dự định học Cử nhân rồi ra trường tìm việc ngay thì bạn phù hợp với ngành Quản trị Kinh doanh hơn vì sẽ có nhiều kỹ năng có thể áp dụng vào thực tế sau khi tốt nghiệp như bán hàng, marketing hay tuyển dụng. Bạn vẫn có thể tìm việc với bằng Cử nhân Kinh tế học nếu muốn nhưng do đây là lĩnh vực thiên về nghiên cứu nên việc tiếp tục học cao lên hệ Thạc sĩ sẽ giúp cho bằng cấp của bạn có giá trị hơn bội phần. Thử tưởng tượng một nhà tuyển dụng muốn thuê bạn về để đánh giá số liệu kinh doanh của công ty thì rõ ràng một ứng viên có bằng Thạc sĩ ngành Kinh tế học sẽ khiến họ đặt niềm tin cao hơn, từ đó bạn cũng dễ tìm được việc với mức lương hậu hĩnh.

Bạn thích tham gia thực hành hay làm việc với số liệu?

Ngành Quản trị Kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho bạn trực tiếp tham gia các khâu vận hành của một tổ chức như sản xuất, quảng bá hay quản lý nhân sự. Điều đó có nghĩa bạn sẽ được góp sức trực tiếp để phát triển hoạt động của công ty. Trong khi đó, ngành Kinh tế học đòi hỏi bạn phải làm việc với nhiều loại số liệu và thông tin để đưa ra phân tích về toàn bộ hoạt động kinh doanh của một tổ chức hoặc toàn xã hội. Đánh giá số liệu là quá trình cần thiết để có thể đưa ra các đường hướng phát triển doanh nghiệp tương lai nên người học Kinh tế vẫn đem đến nhiều lợi ích quan trọng. Nói một cách ngắn gọn, ngành Kinh tế sẽ chịu trách nhiệm phân tích số liệu do ngành Quản trị Kinh doanh đem lại.

Bạn thích khởi nghiệp hay làm công ăn lương?

Nếu bạn muốn làm chủ doanh nghiệp của riêng mình thì tất nhiên là bạn sẽ phù hợp với ngành Quản trị Kinh doanh hơn. Khi chọn học ngành này, bạn sẽ được trang bị đầy đủ mọi kiến thức để giúp doanh nghiệp của mình tồn tại và phát triển trên thị trường. Tất nhiên bạn vẫn được phép lựa chọn làm cho công ty khác để lấy kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh. Điều này phần nào cho thấy bạn có nhiều con đường để thoải mái cân nhắc lựa chọn hơn.

Với ngành Kinh tế, chương trình học không chỉ thiên về lý thuyết và số liệu mà còn mang tính tổng quan nên bạn sẽ gặp không ít khó khăn nếu muốn thành lập công ty sau này. Nếu bạn thật sự muốn khởi nghiệp với bằng Kinh tế thì vẫn có thể chủ động tự trau dồi kỹ năng nhưng bấy giờ sẽ tốn thời gian và công sức hơn nếu so với việc học Quản trị Kinh doanh ngay từ đầu.

Bạn thích cạnh tranh hay ổn định?

Người ta thường bảo “thương trường là chiến trường” nên ngành Quản trị Kinh doanh tất nhiên sẽ phù hợp với những bạn không ngại cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trên thị trường. Ngành Quản trị Kinh doanh rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài nên trong quá trình đăng ký nhập học bạn cũng phải cạnh tranh với nhiều ứng viên khác để được chọn vào một trường tốt. Vì tính chất môi trường làm việc nhiều cạnh tranh nên công việc liên quan đến Quản trị Kinh doanh cũng có sự đào thải cao nên yêu cầu bạn phải liên tục đổi mới để bắt kịp với xu hướng.

Trong khi đó, ngành Kinh tế chủ yếu xem xét và đánh giá mọi thứ ở góc độ toàn cảnh nên bạn sẽ không phải trực tiếp đối đầu với ai nên sẽ cảm thấy thoải mái hơn với công việc của mình. Dù bạn có chọn làm trong công ty thì với những vị trí liên quan đến ngành Kinh tế thì cũng không đòi hỏi bạn phải chạy doanh số hàng tháng hay gặp các áp lực quá lớn về việc bị tụt hậu. Con đường sự nghiệp của Cử nhân ngành Kinh tế vì thế cũng ổn định hơn.

Bạn thích làm việc cho tư nhân hay chính phủ?

Nếu bạn thích làm cho các công ty tư nhân thì học ngành Quản trị Kinh doanh hay Kinh tế đều được. Còn nếu bạn muốn đầu quân cho bộ máy chính phủ của nhà nước thì chọn học Kinh tế sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Công việc của chính phủ là quản lý hoạt động kinh doanh trong nước nên với ngành học thiên về giám sát tổng thể như Kinh tế thì bạn sẽ có cơ hội áp dụng nhiều kiến thức được học hơn vào công việc hàng ngày.

Có thể tạm kết luận, tuy một bên đào sâu về học chi tiết còn một bên học về tổng thể nhưng Quản trị Kinh doanh và Kinh tế đều có sự liên quan mật thiết với nhau. Biết được kiến thức của mảng này sẽ bổ sung nhiều cái cho mảng còn lại nên dù có chọn học ngành nào thì bạn đều cần dành thời gian để tìm hiểu về ngành còn lại. Kiến thức là sức mạnh nên bạn càng học rộng hiểu nhiều thì sẽ càng tốt cho con đường sự nghiệp của mình.

 Bùi Phương Thảo (sưu tầm)