LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỦA TIỀN MÃ HOÁ – BITCOIN (phần 2)

Nakamoto không hề nản lòng. Ông biết hệ thống này có 2 đột phá lớn: một sổ cái chung bất khả xâm phạm mà ông gọi là “hệ thống Blockchain”, theo đó mọi người có thể xác minh tính hợp lệ của giao dịch, cũng như hàng loạt những ưu đãi tiền tệ độc đáo để chủ sở hữu máy tính trong mạng lưới liên tục cập nhật sổ cái. Điều này vừa giúp hệ thống của ông trung thực vừa giải quyết được vấn đề hacker tấn công.

       Nakamoto đã lập trang web bitcoin.org, tên miền ông mua cùng thời điểm ông đăng tải chuyên đề thông cáo của mình. Nhưng để đưa trang web lên một tầm cao mới, ông phải nâng cấp chương trình phần mềm mà ông đã âm thầm phát triển và tạo ra những bitcoin đầu tiên. Đến năm sau, ông mở thuật toán và bắt đầu “khai thác” loại tiền mới của mình. Nakamoto – “nút số 1”, tải phần mềm đó vào máy tính bàn của mình và khởi động chương trình, giao diện đơn giản của nó cho thấy kết quả những nỗ lực của ông dưới dạng lưới. Bởi vì trong mạng lưới chẳng có ai ngoài ông, nên không có nhiều giao dịch bên thứ 3 cần thực hiện và xác nhận. Vì vậy nên ông cứ “treo” máy tính ở đó và chuyển bitcoin vào “ví” kỹ thuật số mà ông tự tạo ra cho mình. Ngày nay, việc “đào” bitcoin cần những máy tính lớn, chuyên dụng và đắt tiền trong các xưởng đào để việc đào được thuận lợi. Nhưng những ngày đầu của năm 2009, sản xuất bitcoin để đưa vào tài khoản của ông dễ dàng như tải xuống bản sao của Microsoft Outlook và chạy trên máy tính vậy.

       Để khởi động hệ thống, Nakamoto đã tạo Khối nguyên thuỷ, khối 50 đồng đầu tiên của bitcoin. Sáu ngày tiếp theo, ông khai thác được nhiều hơn – khoảng 43.000 nếu phần mềm làm việc theo lịch trình sẵn có tạo khối mỗi 10 phút. Vào 8/2014, một khối lượng có giá trị khoảng 21 triệu USD, nhưng thời đó chỉ có giá bằng 0 vì Nakamoto không có ai khác để truyền gửi hoặc tiêu dùng chúng, nên ông phải tìm thêm nhiều người khác tham gia.

       Cho nên, 6 ngày sau khi tạo ra Khối nguyên thuỷ, Nakamoto lại tìm danh sách thư điện tử mã hoá trước đó và thông báo rằng chương trình đã sẵn sàng. “Thông báo phát hành bitcoin đầu tiên, một hệ thống tiền điện tử mới có dùng hệ thống ngang cấp để tránh tình trạng lặp chi.” Và thông tin chào bán “Đây là hệ thống phân tán hoàn toàn, không có máy chủ hay tổ chức trung tâm”.

       Đối với những nhà mật mã học trước đó đã từng nghe về hệ thống này, họ không tin hệ thống của Nakamoto đã vượt qua được những thất bại của các đồng tiền đi trước là tránh được các giao dịch gian lận – giao dịch lặp chi – khi không có tổ chức trung tâm chịu trách nhiệm xác minh giao dịch. Và người ta vẫn phản ứng quá lạnh nhạt trước những đề xuất của Nakamoto. Vì chẳng ai biết Satoshi Nakamoto là ai. Trong cộng đồng mật mã học người ta vẫn thường giấu tên, nhưng họ không ẩn danh với nhau. Đa số đều dùng tên thật hoặc có biệt danh thường gọi. Trước 10/2008, chẳng ai từng nghe đến cái tên Satoshi Nakamoto nên họ không quá hào hứng với một người ẩn danh tính. Rõ ràng tuyệt phẩm bitcoin sẽ không là gì nếu không có ai sử dụng, chấp nhận chúng. Và đã có người thứ 2 tham gia vào hệ thống tiền mã hoá này.

       Hal Finney, lúc đó 53 tuổi, là nhà phát triển hàng đầu của tập đoàn PGP, cũng là một nhà mật mã học. Khi đó, Finney bị hệ thống của Nakamoto hấp dẫn. Finney đã tải phần mềm, tạo ví và bắt đầu khai thác khối 50 bitcoin và trở thành “Nút thứ 2”. Nakamoto đã chuyển 10 đồng vào ví của Finney, nhờ đó, Finney trở thành người đầu tiên nhận bitcoin từ người khác. Hai người liên tục trao đổi thư điện tử ẩn danh và cùng nâng cấp các phiên bản của của phần mềm bitcoin. Finney đã khai thác bitcoin suốt 1 tuần hoặc hơn, thu được khoảng 1000 đồng. Nhưng hệ thống đòi hỏi công nghệ nghiền dữ liệu liên tục, mạnh mẽ mà ông sợ sẽ gây hại cho máy tính của mình. Nên ông dừng khai thác và không bao giờ thử lại nữa.

       Đến 3/2013, khi đồng bitcoin của Finney có giá khoảng 60.000 USD, ông đã hối tiếc về quyết định của mình “Ngẫm lại, giá mà tôi đã để máy đào lâu hơn, nhưng dù sao thì, tôi đã cực kỳ may mắn khi có mặt ngay từ đầu”.

      Tháng 2/ 2009, Nakamoto đã đăng một bài viết trên diễn đàn dành cho những nhà phát triển, trong đó có viết: “Vấn đề căn bản của tiền tệ thông thường là mọi hoạt động đều phải dựa trên niềm tin. Chúng ta phải tin tưởng ngân hàng sẽ không làm giảm giá trị tiền tệ, nhưng lịch sử tiền giấy lại tràn ngập những vi phạm niềm tin. Chúng ta phải tin tưởng ngân hàng sẽ giữ tiền của chúng ta và chuyển sang tài khoản khác bằng điện tử, nhưng họ lại cho vay theo phong trào bong bóng tín dụng và chỉ giữ một phần dự trữ nhỏ”. Trong một bài khác, ông viết “thoát khỏi rủi ro lạm phát thất thường từ việc quản lý tiền tệ tập trung”. Nakamota công bố dự án kèm lời nhắn rằng đồng tiền mới của ông không cần chính phủ, ngân hàng và trung gian tài chính, “không bên thứ ba đáng tin cậy”. Những tháng và năm sau đó, ngày càng nhiều người cho rằng có lẽ ý tưởng của Satoshi đem đến một phương án tốt hơn khi khủng hoảng tài chính tại thời điểm đó khiến cho nhiều người bị khủng hoảng niềm tin.

        Những đồng tiền mã hoá trước bitcoin sụp đổ chủ yếu do hai nguyên nhân: không có tổ chức trung tâm điều khiển thì làm cách nào để mọi người trong mạng lưới hợp tác với nhau và làm sao ngăn được hiện tượng lặp chi; đồng bitcoin của Satoshi đã giải quyết được cả 2 điều trên:

  • Sổ cái Blockchain: trong sổ cái này, các giao dịch được đưa vào khối thẳng hàng sắp xếp theo thứ tự thời gian để người khai thác có thể xác minh các giao dịch bằng cách so sánh sổ cái ghi chép số dư tài khoản. Khi đã hài lòng, họ chấp thuận bằng cách tạo ra khối tiếp theo và nối nó với khối vừa được chấp thuận liền trước. Qúa trình xác minh và bổ sung khối , chấp nhận mỗi khối mới làm cơ sở chính để xây dựng các khối tương lai, tạo ra sự đồng thuận chung về tính hợp lệ của các giao dịch cơ bản. Điều đó khiến 1 người không thể lặp chi 1 đồng tiền.
  • Giải pháp thứ 2 nằm ở thuật toán tặng thưởng khi khai thác, chính điều này đã tạo động lực để thúc đẩy chủ sở hữu các máy tính trong mạng lưới đóng góp nguồn điện và công suất tính toán cần thiết để giúp duy trì sổ cái Blockchain. Hai đặc điểm này đã đặt nền móng cho cơ chế niềm tin phi tập trung thật sự.

Hơn thế, Satoshi đã đặt chế độ phát hành giảm dần theo lộ trình một nguồn cung bitcoin hữu hạn sẽ tạo ra cảm giác khan hiếm, từ đó xây dựng cơ sở hỗ trợ cho giá của bitcoin: trong 4 năm đầu tiên, giao thức sẽ phát hành một lượng cố định cứ 50 đồng mỗi 10 phút, sau đó giảm số tiền phát hành xuống còn 25 đồng mỗi 10 phút vào cuối 2012 và tiếp tục giảm xuống một nửa sau mỗi 4 năm cho đến khi nguồn cung giảm về 0 vào năm 2140, và lúc đó sẽ có 21 triệu đồng bitcoin được phát hành.

       Trong bối cảnh 2009 và trước đề xuất của Nakamoto, ngày càng nhiều người tin tưởng hệ thống của ông sẽ hiệu quả. Nhiều người cho rằng đặt lòng tin vào hệ thống dựa trên thuật toán bất khả xâm phạm này còn hơn một hệ thống bắt họ tin vào những dễ sai sót … Chính khủng hoảng kinh tế tài chính những năm 2008, 2009 đã thúc đẩy người dùng tham gia vào hệ thống của Nakamoto.

Sưu tầm: Đàm Thị Thuỷ

  Gửi ý kiến phản hồi
452