Nghiên cứu khoa học sinh viên và sự gắn kết giữa giảng viên - sinh viên

“Nghiên cứu khoa học” có vẻ như thật lớn lao và đầy khó khăn thử thách, chính vì vậy, không ít sinh viên e ngại, chùn bước khi có ý định tham gia “sân chơi” này. Bản thân tôi cũng không phải một ngoại lệ. Tuy nhiên, mong muốn thử thách bản thân khiến ý định tham gia cuộc thi “nghiên cứu khoa học sinh viên” dần hình thành trong suy nghĩ của tôi. Điều này càng được thôi thúc hơn khi tôi được tiếp cận học phần Kinh tế lượng do cô Đỗ Thanh Thư, giảng viên bộ môn Kinh tế, phụ trách. Chỉ sau vài buổi đầu tiên nghe cô giảng bài, tôi đã mạnh dạn bộc bạch với cô mong muốn tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên, và ngay lập tức cô đã đồng tình, khích lệ tôi. 

Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học lại thêm chưa được học các môn học chuyên ngành, nên không khỏi lúng túng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của cô Thư, tôi đã được định hướng tìm hiểu về về kinh tế gia đình. Nhận thấy ở Việt Nam, hầu hết từ những cửa hàng/hộ kinh doanh cho tới nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều có bóng dáng của những thành viên gia đình ở vị trí chủ chốt, cô đã dẫn tôi tới câu hỏi "Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả kinh doanh?". Từ đó định hướng cho tôi xây dựng đề tài: “Nghiên cứu mối quan hệ yếu tố gia đình và hiệu quả tài chính trong các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam”.

Để tìm kiếm thông tin và số liệu cho nghiên cứu, cô gợi ý cho tôi tìm hiểu các doanh nghiệp gia đình trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX). Tôi còn nhớ rất rõ mình đã loay hoay và hoang mang thế nào khi không biết tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp trên sàn HNX ở đâu. Được cô dẫn dắt từng chút một, tôi đã dần biết cách thu thập thông tin và số liệu cần thiết cho bài nghiên cứu của mình. Trong quá trình nghiên cứu, cô và tôi không thể gặp trực tiếp cho đại dịch Covid-19 nên hai cô trò thường xuyên tương tác trên điện thoại, trên ứng dụng zalo và zoom meeting để kịp tiến độ công việc. Kết quả đã không phụ sự vất vả của hai cô trò, sự cổ vũ, động viên của cô, đề tài nghiên cứu khoa học của tôi đã đạt giải ba cấp Khoa tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ 33 của Trường ĐH Thủy lợi.

Sinh viên Hoàng Thị Thanh Thanh  đạt giải ba cấp Khoa (ngoài cùng bên trái)

 

Để đạt được thành quả này, tôi cho rằng sự liên kết giữa giảng viên và sinh viên là vô cùng quan trọng. Từ thảo luận đề tài, quá trình làm việc cho tới khi hoàn thiện công trình, sinh viên luôn cần có sự hỗ trợ động viên của giảng viên, và ngược lại giảng viên cũng cần sự nỗ lực và ham học hỏi từ sinh viên. Tôi luôn biết ơn cô Thư, nhờ cô tôi đã trưởng thành hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học; và nhờ có giải thưởng lần này, tôi có thêm tự tin, thêm động lực để tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học khác.

Thầy Nguyễn Cảnh Thái, sinh viên Hoàng Thị Thanh Thanh và cô Đỗ Thanh Thư (theo thứ tự từ trái sang phải)

 

Qua đây, tôi muốn gửi lời tới những bạn sinh viên, hãy mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học, trước hết là cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên, bởi đây là cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mềm, cũng như kỹ năng làm việc hiệu quả./.

Dưới đây là báo cáo tóm tắt đề tài nghiên cứu khoa học của tôi: “Nghiên cứu mối quan hệ yếu tố gia đình và hiệu quả tài chính trong các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu đạt giải Ba tại Hội nghị NCKH sinh viên cấp khoa lần thứ 33.

Mục tiêu đề tài

Theo khảo sát của PwC, doanh nghiệp gia đình tạo ra hơn 60% giá trị nền tảng trên thế giới. Tại Việt Nam năm 2019 có khoảng 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đã và đang đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Lý giải cho tình hình kinh doanh vượt trội của doanh nghiệp gia đình so với các doanh nghiệp khác, theo các nghiên cứu quốc tế, yếu tố gia đình được coi là yếu tố bổ trợ quan trọng (Allouche và cộng sự, 2008; Anderson và Reeb, 2003; Lee, 2006). Tại Việt Nam hiện nay, các nghiên cứu về doanh nghiệp gia đình là không nhiều, đặc biệt là nghiên cứu tác động của việc các thành viên tham gia kinh doanh tới tình hình tài chính của các doanh nghiệp gia đình. Nhận thấy tầm quan trọng của doanh nghiệp gia đình trong nền kinh tế Việt Nam, đề tài “Nghiên cứu mối quan hệ giữa yếu tố gia đình và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam“ được thực hiện với mục tiêu sau:

Mục tiêu chung: Chỉ ra mối quan hệ giữa việc thành viên gia đình tham gia hội đồng quản trị/ban lãnh đạo và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp gia đình.

Mục tiêu cụ thể:

  • Khái quát về các doanh nghiệp gia đình được nghiên cứu
  • Phân tích ảnh hưởng của yếu tố gia đình tới hiệu quả tài chính của doanh nghiệp gia đình nghiên cứu.
  • Đề xuất một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của doanh nghiệp gia đình.

Nội dung nghiên cứu: Đề tài được thực hiện với Dữ liệu được thu thập từ 09 doanh nghiệp gia đình được niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội trong vòng 10 năm từ năm 2010 – 2019.

Nội dung nghiên cứu được chia làm các nội dung cơ bản như sau:

  • Tổng quan về các doanh nghiệp gia đình nghiên cứu: Sự hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.
  • Tổng quan về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gia đình nghiên cứu: Doanh thu, nợ dài hạn, quy mô công ty và tỷ số lợi nhuận trên tài sản ROA (hiệu quả tài chính)
  • Phân tích mối quan hệ của yếu tố gia đình và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp gia đình nghiên cứu.

Kết luận: Bên cạnh các chỉ tiêu về kết quả kinh doanh, sự tham gia sâu của các thành viên gia đình trong hội đồng quản trị có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính (ROA) của các doanh nghiệp gia đình nghiên cứu. Các doanh nghiệp gia đình nghiên cứu đều có chủ tịch hội đồng quản trị là nam giới, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự kế nghiệp kinh doanh gia đình; các bí mật và kỹ năng kinh doanh do đó cũng được truyền lại và vận dụng hiệu quả.

Hoàng Thị Thanh Thanh – sinh viên lớp 60K1