Giảng viên khoa Kinh tế và Quản lý với Công tác Nghiên cứu Khoa học gắn kiến thức chuyên môn để giải quyết những vấn đề trong thực tế

Nhóm đề tài cấp bộ do Chủ nhiệm đề tài TS. Đỗ Văn Quang – Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý – Trường Đại học Thủy Lợi cùng các thành viên là các giảng viên trong Khoa trong năm thứ 2 thực hiện đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh tế để lượng hóa tác động của thiên tai và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến trồng trọt, thủy sản và cơ sở hạ tầng có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” đã thực hiện hai chuyến công tác vào hai tỉnh Nghệ An và Bình Thuận. Đây là hai tỉnh có tình hình thiên tai phức tạp, có các đối tượng nghiên cứu về trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng trong phạm vi nghiên cứu của đề tài.

 

Đề tài đã thực hiện 02 đợt công tác, đợt 1 từ ngày 30/12/2019 đến 04/01/2020, tại Nghệ An và đợt 2 từ ngày 28/05/2020 đến 02/06/2020 tại Bình Thuận với mục tiêu tổng quan về thực trạng các hiện tượng thiên tai, tình hình trồng trọt, chăn nuôi, cơ sở hạ tầng tại địa bàn trong 10 năm gần đây và mục tiêu hoàn thiện bảng hỏi cho bước khảo sát tiếp theo nhằm tạo dựng bộ số liệu sơ cấp phục vụ cho mô hình định lượng của đề tài.

Tại Nghệ An, trong ngày đầu tiên, Đoàn đã có buổi làm việc cùng với Chi cục Thủy Lợi Nghệ An, công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An. Tại buổi làm việc, sau khi nghe phát biểu từ TS. Đoàn Văn Quang – Trưởng Đoàn báo cáo về mục tiêu và tình hình thực hiện Đề tài nghiên cứu; Đoàn đã được nghe Chi cục thủy lợi Nghệ An chia sẻ tóm tắt tình hình về tình hình thiên tai và điều kiện cực đoan tại tỉnh nhà.

Ảnh: Đoàn làm việc với Chi cục thủy lợi tỉnh Nghệ An

 

Ông Thành (Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Nghệ An) cho biết, trong những hiện tượng cực đoan về thiên tai thì tại Nghệ An trực tiếp chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi hiện tượng bão lũ và hạn tác động đến cơ sở hạ tầng, đến hoạt động trồng trọt đặc biệt với nhóm cây trồng chính là lúa, cam và chè, đến hoạt động nuôi trồng thủy sản là tôm.

Sau buổi thảo luận, Đoàn công tác đã thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu đối với chuyên gia là Ban lãnh đạo, nhà quản lý gồm các Trưởng phó phòng ban đề tìm hiểu sâu, chi tiết hơn về thực trạng, xin số liệu và các báo cáo hằng năm liên quan đến đề tài. Đoàn đã có một ngày làm việc hiệu quả với sự hợp tác của cơ quan địa phương. Những ngày làm việc còn lại, đoàn đã xuống thực địa, thực hiện các cuộc phỏng vấn theo nhóm, phỏng vấn tại bàn với cán bộ và nông dân xã ở Huyện Nghi Lộc và Huyện Thanh Chương. Thêm nữa, đoàn cũng đã trực tiếp xuống thăm và làm việc với các hợp tác xã nông nghiệp, 04 doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Ảnh: Một số hình ảnh khảo sát thực tế tại Nghệ An


Nhận định được tầm quan trọng của việc đi thực tế, sau chuyến công tác ở Nghệ An, Đoàn đã thực hiện chuyến công tác thứ 2 vào Bình Thuận trong 05 ngày trong đó, trong đợt công tác này Nhóm Đề tài cấp Bộ đã phối hợp với Viện Đào tạo và khoa hoc ứng dụng miền trung - Một phân viện của Trường Đại học Thủy Lợi tại Bình Thuận thực hiện các phần việc trong bước nghiên cứu định tính của đề tài bao gồm: Tổ chức buổi thảo luận, phỏng vấn sâu cùng các chuyên gia – Ban lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận và Chi cục Phát triển nông thôn Tỉnh Bình Thuận trong ngày đầu tiên làm việc và tổ chức các buổi phỏng vấn sâu, phỏng vấn tại bàn, khảo sát nông dân tại 2 huyện Hàn Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và các 03 doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Nhận định đầu tiên đối với thiên tai ở tỉnh Bình Thuận chịu ảnh hưởng nhất là hiện tượng hạn và mặn lên trồng trọt lúa, thanh long, hồ tiêu và nuôi trồng hải sản là tôm tại địa bàn.

 

Ảnh: Một số hình ảnh Chuyến công tác thực tế của Đoàn tại Bình Thuận

 

Kết thúc đợt công tác, về phía chính quyền địa phương mong muốn Nhóm đề tài nghiên cứu xây dựng được các mô hình nhằm đánh giá và lượng hóa được các yếu tố do thiên tai đến tồng trọt, thủy sản, sơ sở hạ tầng. Từ đó đề xuất được các gợi ý về chính sách cho địa phương, lĩnh vực, ngành liên quan. Từ phía người nông dân và doanh nghiệp mong muốn chính phủ, chính quyền địa phượng có các hướng hỗ trợ, cách thức công cụ quy định để phòng chống, ứng phó và giảm thiểu tác động của thiên tai khu vực miền Trung nói chung và tại Nghệ An, Bình Thuận nói riêng. Về phía đoàn công tác sau đợt công tác làm việc với cơ quan ban ngành và khảo sát thực địa, đơn vị chủ trì đề tài NCKH tiếp tục tục bổ sung, hoàn thiện các sản phẩm đề tài trên cơ sở xem xét tiếp thu các ý kiến đóng góp của địa phương và các cơ quan ban ngành và đề nghị các Cơ quan tại hai tỉnh Nghệ An và Bình Thuận tiếp tục phối hợp với Nhóm đề tài trong quá trình lấy ý kiến đối với các sản phẩm của đề tài để kết quả đề tài có thể được áp dụng một cách thiết thực, hiệu quả trong thực tiễn. Bên cạnh đó, qua những lần nghiên cứu cũng giúp đội ngũ giảng viên trong Khoa Kinh tế và quản lý nâng cao trình độ trong nghiên cứu khoa học của mình và trong công tác hướng dẫn sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học./.

TS. Phan Thúy Thảo, Thành viên nhóm Đề tài