Vì sao bạn nên chọn học ngành Kế toán, trường đại học Thủy Lợi?

 Trường đại học Thủy Lợi được thành lập từ năm 1959 với mục tiêu ban đầu là đào tạo cán bộ cho ngành thủy lợi. Trải qua quá trình phát triển gần 60 năm, quy mô cơ cấu đào tạo của Trường đã có sự chuyển dịch nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Hiện nay, trường đại học Thủy Lợi đã trở thành trường đa ngành với hơn 30 ngành đào tạo trải rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: thủy lợi, điện lực, cơ khí, xây dựng, tài nguyên thiên nhiên, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế, quản trị kinh doanh, v.v... Bộ môn Kế toán trường đại học Thủy lợi được thành lập từ năm 1980 để giảng dạy các học phần kế toán cho sinh viên khoa Kinh tế và Quản lý của trường. Năm 2008, theo chiến lược phát triển đa ngành, Bộ môn Kế toán bắt đầu đào tạo sinh viên khóa 1 ngành kế toán. Trải qua 10 năm với sự cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giảng viên, cho đến nay ngành kế toán trường đại học Thủy Lợi đã có hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp.

                                                                    Các giảng viên trong bộ môn Kế toán

Với mong muốn chất lượng đào tạo ngày càng được cải thiện, Bộ môn kế toán đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình và nội dung đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu hội nhập trong môi trường toàn cầu hóa. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu một số điểm khác biệt về cách tiếp cận và chương trình và nội dung đào tạo đại học ngành kế toán của Trường đại học Thủy Lợi.

Kế toán là lĩnh vực có tính quốc tế hóa cao. Sự phát triển và hội nhập của kế toán là một trong những điều kiện quan trọng mở đường cho sự hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, chức năng và nhiệm vụ của nhân viên kế toán đã có nhiều thay đổi. Các nhân viên kế toán ngày nay không còn nhiệm vụ đơn giản là người chỉ ghi các bút toán Nợ, Có và lập báo cáo tài chính mà phải biết thiết kế hệ thống, hỗ trợ nhà quản trị trong quá trình ra quyết định, tham gia vào hoạch định và thực hiện chiến lược. Thông tin kế toán phải “góp phần định hướng các hoạt động quản trị, góp phần tạo ra các động lực và giá trị văn hóa cần thiết để giúp thực hiện được mục tiêu chiến lược và chiến thuật của tổ chức”[1]. Theo Kaplan (Giáo sư Kế toán tại Trường Quản trị Kinh doanh, Đại học Harvard): “Các nhân viên kế toán phải tham gia vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược, sau đó biến các dự định chiến lược và năng lực thành các biện pháp quản trị và vận hành” và “các nhân viên kế toán phải chuyển chức năng từ người lưu giữ sổ sách, số liệu trong quá khứ để trở thành nhà thiết kế của những hệ thống thông tin quản trị trọng yếu của tổ chức”[2]. Để trở thành nhân viên kế toán chuyên nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, nhân viên kế toán cần phải được đào tạo không chỉ các kiến thức chuyên môn kế toán mà cả các kiến thức về công nghệ, kỹ thuật cũng như các kiến thức về quản trị kinh doanh. Các kiến thức và kỹ năng mà nhân viên kế toán phải có gồm: kiến thức kinh doanh, kiến thức công nghệ. Nhân viên kế toán phải có khả năng lãnh đạo, biết cách lập kế hoạch và tổ chức công việc, có khả năng đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, làm việc trong môi trường áp lực cao không có sự giám sát. Ngoài ra, nhân viên kế toán còn phải được trang bị các kỹ năng như kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và truyền đạt thông tin (Communication skills), kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập, v.v...

                                                                 Phòng máy phục vụ học phần kế toán máy

Để có thể trang bị được cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu, các trường đại học trên thế giới đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ xu hướng đào tạo và cơ cấu chương trình, nội dung đào tạo. Một số trường đại học trên thế giới đã chuyển từ đào tạo đơn ngành chuyên về kế toán sang đào tạo song ngành hoặc ngành chính, ngành phụ với kế toán là trung tâm. Chẳng hạn, trường đại học quản trị kinh doanh Singapore từ năm 2006-2007 đã triển khai chương trình đào tạo song ngành giữa kế toán với tài chính, quản trị kinh doanh hoặc kế toán với marketing, luật, quản trị hệ thống thông tin, khoa học chính trị. Trường đại học Colorado (Mỹ) không mở ngành đào tạo kế toán riêng mà mở ngành đào tạo quản trị kinh doanh với trọng tâm là kế toán. Trường đại học Monash (Australia) đào tạo song ngành kết hợp giữa kế toán với kinh tế hoặc kinh doanh, v.v...

Nắm bắt xu hướng đào tạo của một số trường đại học trên thế giới, ngành kế toán trường đại học Thủy Lợi xác định mục tiêu đào tạo sinh viên không chỉ nắm vững kế toán mà còn phải nắm vững cả kiến thức về tài chính và quản trị kinh doanh để có thể giải quyết tốt các vấn đề phát sinh liên quan đến tài chính, kế toán trong doanh nghiệp, trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Đặc biệt, khả năng thiết kế hệ thống, thiết kế và sử dụng thông tin kế toán để hỗ trợ cho các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định ở doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng.

Từ mục tiêu đào tạo được xác định, tham khảo chuẩn đầu ra của một số trường đại học trong nước và quốc tế, trường cũng xác định và xây dựng chuẩn đầu ra gồm 17 mục tiêu nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học. Trên cơ sở chuẩn đầu ra, phương pháp Blackbox được sử dụng để lựa chọn học phần, lựa chọn nội dung giảng dạy và xây dựng nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng yêu cầu của chuẩn đầu ra.

Với chủ trương xây dựng chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao, tăng thời gian thực hành, thực tập cho sinh viên, chúng tôi đã xây dựng được một chương trình đào tạo thiết thực gồm 130 tín chỉ chia thành 4 phần: các học phần đại cương, các học phần cơ sở, các học phần chuyên ngành, các học phần bổ trợ và cuối cùng là các học phần tốt nghiệp. Ngoài các học phần đại cương và các học phần cơ sở được thiết kế tương tự như các chương trình đào tạo kế toán của các trường đại học khác theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, các học phần trang bị kiến thức chuyên môn và bổ trợ của chúng tôi có những điểm khác biệt sau:

Các học phần trang bị kiến thức cơ sở gồm các học phần bắt buộc là: Tài chính - Tiền tệ, Nguyên lý thống kê, Nguyên lý kế toán, Marketing căn bản, Quản trị học, Quản trị tài chính doanh nghiệp. Các học phần trong khối kiến thức này về tên gọi không khác nhiều với chương trình đào tạo của các trường đại học khác. Tuy nhiên về nội dung giảng dạy có sự khác biệt đáng kể.

Chẳng hạn, khác với học phần tài chính - tiền tệ được giảng dạy tại một số trường đại học khác, trong học phần này chúng tôi không trình bày quá sâu vào các vấn đề đã được giải quyết trong học phần kinh tế vĩ mô như: lãi suất, tỷ giá hối đoái, v.v.... mà chỉ giới thiệu để sinh viên nắm được một số nét cơ bản về thị trường tài chính và tiền tệ. Nội dung chính của học phần tập trung vào các vấn đề cơ bản của tài chính như lãi suất và giá trị thời gian của tiền và dịch vụ do các ngân hàng cung cấp như mở L/C, chuyển tiền, thanh toán, bảo lãnh, vay vốn, v.v.... Các trình tự và thủ tục mở tài khoản, giao dịch với ngân hàng, kho bạc cũng được trình bày kỹ giúp cho sinh viên nắm được quy trình và thủ tục để không bỡ ngỡ khi giao dịch với ngân hàng. Trong điều kiện thị trường chứng khoán đang hình thành và phát triển ở nước ta, với mục đích trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, học phần này đã giành thời lượng đáng kể cho các kiến thức cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán như tổng quan về thị trường chứng khoán, chủ thể và hàng hóa trên thị trường chứng khoán, một số phương pháp phân tích và định giá chứng khoán, các phương thức giao dịch chứng khoán, v.v... Đây là những kiến thức cơ bản làm cơ sở để sinh viên tiếp cận nghiên cứu sâu hơn để có thể tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán sau này.

Nhằm đào tạo ra những sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về kế toán mà còn thành thạo cả tài chính và quản trị tài chính doanh nghiệp nên quản trị tài chính được thiết kế là học phần bắt buộc để trang bị cho sinh viên các kiến thức quan trọng, cần thiết liên quan đến quản trị tài chính trong doanh nghiệp. Các nội dung chủ yếu của học phần này bao gồm vai trò, chức năng của quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị tài sản lưu động, tài sản cố định, quản trị các nguồn tài trợ, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản cố định, chi phí sử dụng vốn và cơ cấu nguồn vốn, hệ thống đòn bẩy tài chính, tối ưu hoá cơ cấu nguồn vốn, kế hoạch hóa, dự báo tài chính trong doanh nghiệp. Biên soạn giáo trình phục vụ cho học phần này do các giảng viên đã từng du học ở nước ngoài đảm nhận dựa trên các tài liệu tham khảo mới nhất của các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực này như McGraw-Hill và Prentice Hall, Wiley and Sons, v.v....

Học phần nguyên lý kế toán trang bị các kiến thức kế toán cơ sở như vai trò của kế toán, các khái niệm và nguyên tắc kế toán, quy trình kế toán, các yếu tố của hệ thống kế toán và nguyên tắc kế toán một số hoạt động chủ yếu. Giáo trình phục vụ cho học phần này được biên soạn trên cơ sở kế thừa một số ưu điểm của các giáo trình lý thuyết hạch toán kế toán và lý thuyết kế toán của một số trường đại học trong nước đồng thời cập nhật những nội dung phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế như các khái niệm về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, các nguyên tắc tính giá, v.v... Điểm khác biệt quan trọng của giáo trình này so với các giáo trình nguyên lý kế toán của các trường đại học khác là các tác giả đã mạnh dạn thay đổi quan điểm và cách tiếp cận cho phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới hiện nay như không coi chứng từ, tài khoản và báo cáo kế toán là các phương pháp của kế toán mà chỉ coi chúng là các phương tiện để thu thập và xử lý thông tin. Vấn đề tính giá cũng được trình bày theo hướng vận dụng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) để đảm bảo các yêu cầu tin cậy, dễ hiểu và so sánh được của thông tin kế toán.

Trong nhóm các học phần kiến thức cơ sở, ngoài các học phần bắt buộc còn có các học phần để sinh viên lựa chọn theo ý muốn như: Soạn thảo văn bản, Văn hóa doanh nghiệp, Đạo đức nghề nghiệp kế toán, Kỹ năng đàm phán. Trong nhóm các học phần này, đạo đức nghề nghiệp kế toán là học phần đầu tiên được đưa vào chương trình giảng dạy để giúp sinh viên tích lũy kiến thức và kỹ năng để có thể trở thành nhân viên kế toán chuyên nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa.

Các học phần chuyên môn trang bị các kiến thức chuyên sâu về kế toán và các kiến thức giúp sinh viên có thể hiểu và thiết kế được hệ thống kế toán, phân tích thông tin hỗ trợ ra quyết định của nhà quản trị. Trong phần kiến thức chuyên môn (27 tín chỉ), môn học kế toán tài chính được giảng dạy ở mức độ vừa phải với 6 tín chỉ (2 học phần), thời gian còn lại dành cho các học phần: Kế toán thuế, Kiểm toán căn bản, Tổ chức kế toán, Kế toán quản trị I, Phân tích báo cáo tài chính, Kế toán doanh nghiệp xây lắp, Hệ thống thông tin kế toán.

Phần kiến thức bổ trợ trong chương trình (21 tín chỉ) gồm các học phần bắt buộc: Kế toán quốc tế, Kế toán máy, Kế toán quản trị II, Lý thuyết tổ chức, Tiếng Anh chuyên ngành Kế toán, Quản trị tác nghiệp, Kiểm soát nội bộ, Phát triển kỹ năng quản trị.

Nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên tiếp cận với kiến thức chuyên môn theo định hướng nghề nghiệp, các học phần lựa chọn được thiết kế gồm 15 học phần. Sinh viên được lựa chọn từ 3-4 học phần (8 tín chỉ) theo các định hướng nghề nghiệp khác nhau. Tùy theo nhu cầu và sở thích, sinh viên có thể lựa chọn các học phần chuyên sâu hoặc nâng cao về kế toán doanh nghiệp như kế toán chi phí, hợp nhất báo cáo tài chính. Nếu có ý định làm việc trong các công ty xây dựng, sinh viên sẽ chọn 4 trong số các học phần: Quản lý xây dựng, Lập dự toán xây dựng, Hợp đồng và đấu thầu xây dựng, Kinh tế xây dựng hoặc Pháp luật xây dựng. Sinh viên có định hướng làm việc trong các công ty thương mại, dịch vụ sẽ chọn các học phần: Kế toán doanh nghiệp thương mại và dịch vụ, Kế toán xuất nhập khẩu. Các học phần để sinh viên có định hướng làm việc cho các công ty kiểm toán gồm: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ. Nếu có ý định làm việc cho các ngân hàng thương mại, sinh viên có thể lựa chọn các học phần: nghiệp vụ ngân hàng thương mại, kế toán ngân hàng thương mại, tín dụng và thanh toán. Ngoài ra, nếu sinh viên có ý định làm việc cho các đơn vị HCSN, sinh viên sẽ được lựa chọn các học phần quản trị tài chính đơn vị HCSN và kế toán HCSN II.

Học phần quản trị tài chính đơn vị HCSN trang bị cho sinh viên các kiến thức liên quan đến quy trình lập dự toán, tiếp nhận, sử dụng và quyết toán kinh phí với cơ quan quản lý trong đơn vị HCSN. Không chỉ trang bị cho sinh viên các kiến thức liên quan đến quy trình lập dự toán, tiếp nhận, sử dụng và quyết toán kinh phí trong các đơn vị HCSN, học phần này còn đi sâu hướng dẫn các phương pháp và kỹ thuật cụ thể để giúp sinh viên có thể lập dự toán trong các đơn vị HCSN nói chung. Thông qua bài giảng lý thuyết và các bài tập tình huống sinh viên sẽ được làm quen và rèn luyện kỹ năng lập dự toán, quản trị và quyết toán kinh phí trong quá trình học tập.

Với mục tiêu trang bị cho sinh viên kiến thức thiết thực, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề cương học phần và tài liệu giảng dạy được biên soạn dựa trên các giáo trình mới nhất của các nhà xuất bản uy tín trên thế giới. Dựa theo các tài liệu này, nội dung giảng dạy được lựa chọn có tính đến ảnh hưởng của toàn cầu hóa và sự thay đổi của công nghệ trong điều kiện của Việt Nam. Chẳng hạn, học phần kế toán tài chính là môn chuyên ngành của sinh viên ngành kế toán nên được nhà trường quan tâm đầu tư biên soạn tương đối công phu. Tư tưởng chỉ đạo khi biên soạn giáo trình này là thay vì dựa theo chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành, chúng tôi sẽ biên soạn theo hướng kết hợp trang bị các kiến thức cơ bản, hiện đại của kế toán tài chính trên cơ sở các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và sự vận dụng các chuẩn mực này vào kế toán Việt Nam.

Ngoài học phần kế toán tài chính, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến kiến thức và nội dung giảng dạy của học phần kế toán quản trị. Trên thế giới, kế toán quản trị đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm, nhưng ở Việt Nam, kế toán quản trị mới được đưa vào giảng dạy từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX nên sự hiểu biết và cập nhật các kiến thức về kế toán quản trị vẫn chưa theo kịp với xu hướng phát triển của thế giới. Xác định kế toán quản trị là học phần cốt lõi trang bị kiến thức để sinh viên có thể tham gia vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược cũng như tham gia vào xây dựng kế hoạch và ra quyết định hàng ngày ở doanh nghiệp, nội dung giảng dạy của học phần này sử dụng hoàn toàn giáo trình, bài tập và các tình huống nghiên cứu từ giáo trình nước ngoài với những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phân tích và nhấn mạnh đến ý nghĩa và tác động chiến lược của các quyết định, của hệ thống đo lường và đánh giá hoạt động. Ngoài thông tin tài chính, thông tin phi tài chính cũng được coi trọng và phân tích tác động của nó đến sự thành công của chiến lược. Đề thi kết thúc học phần cũng được biên soạn dựa theo dạng thức và câu hỏi, bài tập từ ngân hàng câu hỏi đi kèm giáo trình được lựa chọn. Như vậy, với vai trò quan trọng của học phần này trong chương trình toàn bộ nội dung giảng dạy, đánh giá học phần này đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của các trường đại học trên thế giới.

                    Giáo trình Kế toán Quản trị do các giảng viên trong Bộ môn Kế toán dịch và biên soạn

Thực tế từ các sinh viên đã tốt nghiệp cho thấy, một trong những khó khăn của sinh viên mới ra trường là không nắm được các quy trình đăng ký, kê khai, lập các báo cáo thuế và quyết toán thuế cũng như hiểu biết các quy định của luật thuế còn yếu. Nhiều sinh viên không phân biệt được sự khác nhau giữa kế toán tài chính và kế toán thuế. Nhằm khắc phục tồn tại này, học phần kế toán thuế được xây dựng để trang bị cho sinh viên hiểu và nắm rõ các quy định của các luật thuế liên quan đến hoạt động của đơn vị. Mục đích và yêu cầu của học phần này là sau khi học xong, thông qua các bài giảng và bài tập tình huống sinh viên sẽ phải thành thạo các kỹ năng kê khai, lập các báo cáo thuế và nắm chắc các quy định của từng luật thuế cũng như quy trình đăng ký, nộp tờ khai và quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Bên cạnh đổi mới chương trình, nội dung đào tạo chúng tôi cũng đang tích cực xây dựng, đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu cải tiến phương pháp và phương tiện giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên trong học tập. Các tình huống thực tế, các bài thực hành được các giảng viên tích cực xây dựng để giúp sinh viên tiếp cận với thực tế nhiều hơn.

Trên đây là một số nét phác họa của chương trình đào tạo kế toán Trường đại học Thủy Lợi. Chúng tôi cho rằng việc xây dựng nội dung chương trình và phương pháp đào tạo kế toán để đào tạo được các nhân viên kế toán có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các đồng nghiệp nước ngoài là rất cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam đã mở cửa thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán theo cam kết giữa các nước thành viên trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Chi tiết chương trình đào tạo http://fem.tlu.edu.vn/bo-mon-ke-toan/chuong-trinh-dao-tao-nganh-ke-toan-ap-dung-tu-563

PGS. TS. Nghiêm Văn Lợi, Trưởng Bộ môn Kế toán

 


[1] Định nghĩa kế toán quản trị, Viện kế toán quản trị Hoa Kỳ

[2] R. Kaplan, Vai trò mới của nhân viên kế toán quản trị

  Gửi ý kiến phản hồi
578